Chống thất thu thuế bán hàng livestream
Thời gian qua, dư luận xôn xao về những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng có doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi phiên. Thế nhưng vấn đề quản lý thu thuế ra sao vẫn là một dấu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Biến hóa khôn lường, khó quản lý
Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ngày càng phổ biến. Hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và cả người được thuê livestream. Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream bán hàng với doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng. Nhưng, điều mà nhiều người quan tâm là thu nhập khủng thì các cá nhân này đóng thuế bao nhiêu, cơ quan thuế quản lý thế nào?
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây (4/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung, cũng như livestream bán hàng nói riêng, việc quản lý thực sự khó khăn. Vì hoạt động này biến hóa khôn lường, nên các quy định pháp luật hiện tại phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo đại diện ngành Công Thương, trách nhiệm quản lý không chỉ của ngành Công Thương, mà của rất nhiều ngành. Tuy nhiên, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi sai phạm, chống thất thu thuế trong môi trường điện tử.
Tại thông cáo phát đi ngày 1/6, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế. Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, hiện nay, bộ đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình, sẽ thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.
Chia sẻ một số số liệu quản lý thuế từ các cá nhân, tổ chức về kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm livestream bán hàng trong 2 năm gần nhất, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng; số thuế đã thu là trên 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng; số thuế đã thu khoảng 97 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả thanh tra rà soát từ năm 2021 đến năm 2023, có hơn 31 nghìn đối tượng gồm hộ kinh doanh và cá nhân vi phạm về thuế; đã xử lý vi phạm hơn 22 nghìn trường hợp, số thuế thu tăng thêm là gần 3 nghìn tỷ đồng.
Cần sự phối hợp của nhiều bên
Hiện nay đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử, đơn cử như Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, dù có nhiều cơ sở kinh doanh online hàng giả, hàng nhái bị triệt phá, tuy nhiên trên thực tế chỉ như muối bỏ biển. Việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn, kho có hàng trăm nghìn cá nhân, hộ gia đình… đang kinh doanh online.
Ngày 5/6, Tổng cục trưởng Thuế yêu cầu Cục thuế các địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trên sàn giao dịch. Các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ quảng cáo, cung cấp phần mềm cũng nằm trong diện rà soát lần này. Cùng đó, lãnh đạo ngành thuế lưu ý với nhóm kiểm tra là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng hóa, dịch vụ.
Nhìn nhận thực trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, việc thất thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có cá nhân livestream bán hàng là có. Thực tế, việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp do tính mới và phổ biến của nó. Vì kinh doanh online có thể chào hàng, bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử với những tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian livestream thì cơ quan quản lý không biết họ là ai nữa. Nó không phải là các sàn thương mại điện tử mà nhà mạng có thể dễ dàng quản lý.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để quản lý thuế đối với thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng. Với sự phối hợp giữa nhà mạng, các sàn thương mại điện tử, trên cơ sở đó, cơ quan thuế, Bộ Công Thương, Bộ Công an sẽ làm việc để tìm ra người bán hàng đó là ai, như thế nào, có đúng không. Đồng thời kết hợp với ngân hàng trong việc chuyển tiền vào tài khoản những người kinh doanh online. Rồi kết hợp với nhà vận chuyển, shipper nhận tiền trực tiếp thì chúng ta dần có được một kho dữ liệu về những người kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Chi cho hay, hoạt động bán hàng trên livestream không phải mới, nhưng gần đây có sự phát triển mạnh, nên cơ quan Thuế đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông đến tất cả đối tượng tham gia, giúp hiểu rõ các quy định về thuế để tự giác, tự tiến hành kê khai thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử của cá nhân và hộ kinh doanh.
Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Theo Bộ Tài chính, giải pháp này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Thương mại điện tử sẽ thay thế dần các chợ truyền thống