Mục tiêu của các CEO này là dành được sự chú ý, ưu ái và cuối cùng là thu hút ví tiền của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo Straits Times, nhiều CEO Trung Quốc đang cố gắng để trở thành những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc như Weibo và Douyin, một số CEO có ảnh hưởng sẽ tiến hành phát sóng trực tiếp trong vài giờ hoặc xuất hiện thường xuyên trong các video ngắn. Họ quảng bá sản phẩm của công ty, thảo luận về sự phát triển của ngành và chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống, đôi khi lặp lại tương tự nhiều lần trong ngày.
Mục tiêu của các CEO này là dành được sự chú ý, ưu ái và cuối cùng là thu hút ví tiền của người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong số đó, thành công nhất là Lei Jun, nhà sáng lập “gã khổng lồ” điện tử tiêu dùng Xiaomi, người có hơn 20 triệu người hâm mộ trên nền tảng Weibo và Douyin. Lei Jun đang cố gắng sử dụng thương hiệu cá nhân của mình để thâm nhập vào thị trường xe điện đang dần bão hòa của Trung Quốc.
Gần đây nhất là buổi phát sóng trực tiếp dài 3 tiếng rưỡi vào ngày 18/5, ông đã lái chiếc ô tô Xiaomi từ Thượng Hải đến Hàng Châu, thu hút 39 triệu người xem trực tuyến. Thành tích mà ông tạo ra khiến các đối thủ phải ghen tị bởi ở quốc gia tỷ dân hiện nay lưu lượng truy cập được coi là "tiền đề" cho doanh số bán hàng.
Lei Jun, nhà sáng lập “gã khổng lồ” điện tử tiêu dùng Xiaomi, người có hơn 20 triệu người hâm mộ trên nền tảng Weibo và Douyin. Ảnh: Internet |
Tháng 5/2022, doanh số bán hàng của Gree Electric Electrical thu 43,8 triệu USD, riêng phiên livestream của Chủ tịch Dong Mingzhu, 'nữ hoàng đồ gia dụng' Trung Quốc, đạt 14,1 triệu USD.
Bà Dong Mingzhu, chủ tịch Gree Electric Electrical, tham gia livestream bán hàng được phát trên nền tảng xã hội Kuaishou nhanh chóng thu hút 16 triệu lượt xem. Trong phiên bán, bà Dong giới thiệu một máy lọc khí nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và một cốc nước ép. Phiên bán hàng này còn có sự góp mặt của những ngôi sao livestream nổi tiếng tại Trung Quốc đại lục do Gree mời về.
Theo dữ liệu từ Kuaishou, doanh số bán hàng trong phiên livestream của bà Dong đạt 100 triệu nhân dân tệ (351 tỷ đồng) trong 30 phút và 310 triệu nhân dân tệ (hơn 1 nghìn tỷ đồng) trong cả phiên phát sóng 3 giờ.
"Bán hàng trực tuyến cho phép người mua hàng tương tác và chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được mọi nhu cầu của họ. Tôi không hy vọng thu hút người mua vì giá rẻ, mà hy vọng các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc được biết đến rộng rãi", bà Dong nói. Bà cũng cho biết là mình tổ chức buổi livestream vì muốn mở đường, chỉ dẫn đường cho hơn 30.000 nhà phân phối của công ty.
Chủ tịch Dong Mingzhu, 'nữ hoàng đồ gia dụng' Trung Quốc |
Vào tháng 2 năm nay, tỷ phú công nghệ Chu Hongyi cho biết ông sẽ học hỏi các CEO nổi tiếng trên Internet để đại diện cho công ty của mình và tiết kiệm chi phí quảng cáo. Nhà sáng lập 360 Group đã tăng cường sự hiện diện của mình trên mạng xã hội, tung ra một loạt video và nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo và các bài tập thể dục.
Ông nói trong một buổi phát sóng trực tiếp: “Nếu có thể, tôi nghĩ các doanh nhân nên trở thành người nổi tiếng trên Internet”. Ông giải thích rằng khi phát trực tiếp và các video ngắn sẽ định hình lại cách mọi người tiêu dùng. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải tương tác với công chúng thông qua các phương pháp này.
"Át chủ bài" trên đường đua doanh thu
Ở Trung Quốc, việc các lãnh đạo doanh nghiệp trở thành đại sứ thương hiệu thông qua sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội không phải là mới. Các chuyên gia cho rằng việc gia tăng số lượng CEO có sức ảnh hưởng là dấu hiệu của sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc.
Mô hình này cho đến nay vẫn hoạt động tốt, giúp các công ty thu hút nhiều sự chú ý hơn đến sản phẩm của mình đồng thời cắt giảm chi phí quảng cáo cao. Điều này cũng có thể giúp các công ty tìm ra những hướng đi mới để kiếm lợi nhuận, chẳng hạn như việc New Oriental gia nhập thành công lĩnh vực thương mại điện tử từ ngành giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là không có rủi ro. Li Xiuping, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chiến lược này liên kết sự thành công hay thất bại của thương hiệu với CEO. Điều này có nghĩa là “nếu CEO làm sai sẽ có tác động vô cùng tiêu cực đến thương hiệu.”