Chống tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện bằng giải pháp công nghệ
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo công khai, minh bạch, có tính ứng dụng cao, phấn đấu khuyến khích 100% phương tiện đăng ký hẹn kiểm định qua app; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong kiểm định...
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao Cục Đăng kiểm đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, nhanh chóng đưa hoạt động đăng kiểm ổn định trở lại, giảm bớt bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Nỗ lực duy trì hoạt động đăng kiểm ổn định
Trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm tập trung giám sát, chỉ đạo sát sao hoạt động của các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo cho hoạt động đăng kiểm duy trì ổn định, bền vững, đặc biệt quan tâm đến đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Đồng thời, Cục Đăng kiểm khẩn trương rà soát, đề xuất, điều chỉnh toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện, công trình, dầu khí biển cho phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
Rà soát các quy định liên quan đến giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định để kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo thu nhập chính đáng cho lực lượng đăng kiểm, cán bộ, viên chức, người lao động hoạt động trong lĩnh vực đăng kiểm.
Bố trí điều động, trưng tập đăng kiểm viên đảm bảo cho hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa. Tuyển dụng đăng kiểm viên, tổ chức đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để đảm bảo lực lượng ổn định lâu dài.
Cục Đăng kiểm cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tập trung xây dựng đề án đổi mới công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ kiểm định.
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo Nghị định 30/2023/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, tổ chức hướng dẫn Sở GTVT các tỉnh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong Nghị định.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Đăng kiểm trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo công khai, minh bạch, có tính ứng dụng cao, thời gian tới phấn đấu khuyến khích 100% phương tiện đăng ký hẹn kiểm định qua app; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong kiểm định.
"Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm, rà soát xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật đã bị cơ quan điều tra, khởi tố hình sự.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục tư tưởng chính trị, tư tưởng cho đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kiểm định", Bộ trưởng yêu cầu.
Cục Đăng kiểm cũng cần chăm lo nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đăng kiểm để đảm bảo cả hệ thống toàn tâm toàn ý lao động, cống hiến cho cơ quan, đơn vị.
Nâng cấp phần mềm kiểm định xe, ngăn tiêu cực
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, cơ quan công an đã khám xét, khởi tố bắt giam nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ các trung tâm, chi cục đăng kiểm, đã có 106/281 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, dẫn đến ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian đó, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ổn định tư tưởng công chức, viên chức, người lao động; quyết liệt chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì, khôi phục các hoạt động đăng kiểm, tăng cường công tác quản lý nhà nước, từng bước giải quyết những bất cập, tồn tại trong các quy định về công tác đăng kiểm.
Đến nay, đã khôi phục lại 83 trung tâm đăng kiểm, nâng tổng số trung tâm đăng kiểm hoạt động lên 267/281 trung tâm.
Tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm đã được giải quyết, đặc biệt là việc Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT và Thông tư 08/2023/TT- BGTVT đã giúp giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng tập trung xây dựng Đề án "Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm"; nghiên cứu phương án phân cấp, phân quyền công tác quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cho các địa phương.
Cùng với đó, tiến hành rà soát, đề nghị bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, tàu biển, công trình biển, phương tiện thủy nội địa để tăng cường công tác quản lý cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã tiến hành sửa đổi, cập nhật phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới sử dụng tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nhằm hạn chế, khắc phục hiện tượng can thiệp thay đổi dữ liệu kiểm định phương tiện; xây dựng phần mềm hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong việc lập hồ sơ phương tiện, cấp tem và giấy chứng nhận kiểm định cho các xe được miễn kiểm định lần đầu; xây dựng phần mềm tra cứu thông tin và in giấy xác nhận thời hạn hiệu lực có chữ ký số của Cục Đăng kiểm cho các xe con không kinh doanh vận tải được giãn thời gian kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT.