Chủ tịch Ủy ban châu Âu ra tòa vì dính líu tới bê bối vắc xin Covid-19
Tòa án Công lý châu Âu ngày 15/11 sẽ mở một phiên tòa liên quan tới cách Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mua vắc xin Covid-19.
Tờ Financial Times trích dẫn các nguồn tin ẩn danh cho hay, một hội đồng gồm 15 thẩm phán sẽ xem xét liệu bà Leyen có thu hồi bất hợp pháp những tin nhắn riêng tư mà bà được cho là đã trao đổi với Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Pfizer Albert Bourla hay không.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, EC ủng hộ việc mua chung hàng tỷ liều vắc xin và phân phối cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn để ngăn ngừa đại dịch lây lan. Năm 2020 và 2021, EC đã ký nhiều thỏa thuận với các hãng sản xuất vắc xin với số tiền khoảng 2,7 tỷ Euro.
Nhiều người cho rằng, bà Leyen giữ một vai trò chủ chốt trong việc tổ chức mua sắm và các cuộc đàm phán mua vắc xin là không đủ minh bạch.
Trong bài báo đăng hôm qua (7/10), tờ Financial Times lưu ý rằng Hội đồng xét xử của EU, thường giải quyết các vụ án phức tạp hoặc đặc biệt quan trọng, được cho là sẽ cân nhắc bằng chứng.
Tháng 1/2023, tờ The New York Times (NYT) đã kiện EC như một phần của yêu cầu tự do thông tin sau khi ủy ban này tuyên bố không có tin nhắn mà bà Leyen bị cáo buộc đã xóa.
Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Pfizer Albert Bourla đã xác nhận, ông và bà Leyen thực sự đã trao đổi tin nhắn riêng tư và Chủ tịch EC đã nói với ông rằng bà đích thân tham gia đàm phán các hợp đồng mua vắc xin. Trong khi tờ NYT khăng khăng đòi công bố các tin nhắn riêng thì bà Leyen tuyên bố đã xóa hầu hết các cuộc trao đổi với ông Bourla.
Tháng 11, tòa án EU dự kiến sẽ hỏi đại diện của ủy ban liệu các thông điệp cốt lõi của vụ kiện có tồn tại hay không và nếu có thì liệu chúng có bị hủy hay không và tại sao.
Trong một vụ việc riêng biệt vào giữa tháng 7, tòa án chung của EU phán quyết rằng EC đã che giấu các thông tin chi tiết về các thỏa thuận vắc-xin Covid trị giá hàng tỷ Euro với Pfizer và AstraZeneca mà không có lý do chính đáng.
Năm 2021, một nhóm nghị sĩ yêu cầu được tiếp cận các tài liệu có liên quan để đảm bảo rằng lợi ích công cộng đã được bảo vệ và các thành viên của nhóm đàm phán EU không có xung đột lợi ích. Tuy nhiên, EC chỉ đồng ý công bố phiên bản đã biên tập và từ chối tiết lộ danh tính của các thành viên trong nhóm đàm phán. Các nhà lập pháp sau đó đã đưa vấn đề này ra tòa.
Từ quốc gia 1,3 triệu dân đến mắt xích quan trọng trong cấu trúc an ninh mạng châu Âu
Châu Âu áp thuế tăng gấp 4 lần với xe điện Trung Quốc, VinFast hưởng lợi lớn?