Từ quốc gia 1,3 triệu dân đến mắt xích quan trọng trong cấu trúc an ninh mạng châu Âu
Estonia, một quốc gia nhỏ nằm ở vùng Baltic với dân số chỉ khoảng 1,3 triệu người, đã trở thành mắt xích quan trọng trong cấu trúc an ninh mạng của khối NATO nhờ những kết quả chuyển đổi số.
Cơ sở hạ tầng lạc hậu và thiếu nguồn lực sau khi tách ra khỏi Liên Xô năm 1991 đòi hỏi quốc gia này phải tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy phát triển.
Trong bối cảnh đó, Estonia nhận ra tiềm năng của công nghệ thông tin và quyết định đặt cược vào chuyển đổi số như một con đường phát triển nhanh chóng và bền vững.
Trong năm 2023, Estonia tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu toàn cầu về chuyển đổi số, với 99% dịch vụ chính phủ được đưa lên trực tuyến, hoạt động 24/7, từ gia hạn hộ chiếu cho đến bỏ phiếu.
Theo Global Finance Magazine, các dịch vụ kỹ thuật số đang đóng góp khoảng 16,6% tổng GDP Estonia, tương đương với các nền kinh tế số tiên tiến khác như Singapore và Thụy Điển.
Hiện quốc gia này cũng đang đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng của OECD về chỉ số chính phủ kỹ thuật số, với điểm số 74,2%, cao hơn mức trung bình của các thành viên khác là 60,5%.
Hệ thống e-Residency, cho phép doanh nhân toàn cầu điều hành doanh nghiệp từ xa, thu hút hơn 96.000 người tham gia từ 176 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong lĩnh vực ICT, Estonia cũng ghi nhận mức độ tăng trưởng nhanh chóng khi đóng góp GDP đạt 5,4% (năm 2023), tăng từ 4,3% từ năm 2017.
Xã hội thông tin toàn diện
Chương trình e-Estonia là trung tâm của chiến lược chuyển đổi số Estonia, bao gồm một loạt các dự án nhằm số hóa dịch vụ công, kinh tế và xã hội. Mục tiêu là tạo ra một môi trường mà công nghệ thông tin được tích hợp sâu rộng vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Năm 2002, Estonia giới thiệu thẻ căn cước điện tử, cung cấp cho mỗi công dân một danh tính số duy nhất. Thẻ này cho phép truy cập và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn và thuận tiện.
Năm 2014, Estonia tiếp tục mở rộng chương trình với e-Residency, cho phép người nước ngoài truy cập vào hệ thống số của Estonia và thành lập doanh nghiệp từ xa.
Estonia đã số hóa hầu hết các dịch vụ công, từ khai thuế, đăng ký kinh doanh, đến bỏ phiếu điện tử. Hơn 99% dịch vụ công có thể được truy cập trực tuyến 24/7, giảm thiểu thời gian và chi phí cho cả chính phủ và người dân.
Ngoài ra, chính phủ còn xây dựng X-Road, một nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, cho phép các cơ quan công quyền và tổ chức tư nhân chia sẻ thông tin an toàn, hiệu quả.
Hệ thống này đảm bảo rằng dữ liệu chỉ cần nhập một lần và có thể được sử dụng bởi nhiều bên, giảm thiểu sự trùng lặp và tăng tính minh bạch.
Việc số hóa đã giúp Estonia tiết kiệm đáng kể chi phí hành chính và tăng hiệu quả trong cung cấp dịch vụ. Theo ước tính, việc khai thuế trực tuyến chỉ mất khoảng 5 phút và 98% người dân sử dụng dịch vụ này.
Môi trường kinh doanh thuận lợi với thủ tục nhanh chóng và minh bạch đã thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ như Skype, TransferWise (nay là Wise) và Bolt.
Bỏ phiếu điện tử (i-Voting) được giới thiệu từ năm 2005, cho phép người dân bỏ phiếu từ bất kỳ đâu. Điều này đã tăng cường sự tham gia của cử tri và làm cho quá trình bầu cử trở nên thuận tiện hơn.
Biến nguy thành cơ
Cuộc tấn công mạng năm 2007 nhằm vào Estonia đánh dấu cuộc tấn công mạng quy mô lớn đầu tiên trên thế giới nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, làm tê liệt nhiều hệ thống trọng yếu trong thời gian dài.
Vụ tấn công này không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội mà còn thúc đẩy Estonia, cũng như các tổ chức quốc tế, đặc biệt là NATO, thay đổi cách nhìn nhận và ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng.
Từ ngày 27/4 đến ngày 18/5/2007, các hệ thống kỹ thuật số và hạ tầng mạng của quốc gia Baltic bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) có nguồn gốc từ nhiều địa chỉ IP khác nhau trên toàn cầu.
Các website chính phủ, cơ quan công quyền, tổ chức tài chính, cơ sở hạ tầng truyền thông và viễn thông bị tấn công nghiêm trọng, thậm chí dịch vụ điện thoại di động cũng tê liệt.
Từ sự cố này, Estonia đã nhận thức được tầm quan trọng của việc không chỉ bảo vệ hạ tầng mạng của quốc gia mà còn phát triển các giải pháp an ninh mạng tiên tiến dựa trên công nghệ Blockchain để phòng tránh các cuộc tấn công trong tương lai.
Trong đó, điểm nhấn là sáng kiến tiên phong về an ninh mạng, có tên Chương trình Cybersecurity as a Service (Dịch vụ an ninh mạng - CSaaS), nhằm cung cấp an ninh mạng linh hoạt và hiệu quả, hỗ trợ không chỉ cho các tổ chức chính phủ mà còn cho các doanh nghiệp và cá nhân.
CSaaS của Estonia là một hệ thống bao gồm nhiều dịch vụ bảo mật được cung cấp dưới dạng dịch vụ, cho phép các tổ chức và cá nhân có thể sử dụng một cách linh hoạt và tùy chỉnh.
Các dịch vụ này bao gồm quản lý rủi ro, giám sát luồng dữ liệu, phòng thủ mạng tự động và chủ động tích hợp AI và máy học, mã hóa dữ liệu đám mây, xác thực hai yếu tố…
Bên cạnh đó, Estonia đẩy mạnh nâng cao nhận thức người dân về an ninh mạng, thông qua loạt chương trình giáo dục và đào tạo về “vệ sinh mạng” (cyber-hygiene) với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ mạng và cách phòng tránh, giúp người dân hiểu rõ hơn về các biện pháp bảo mật cần thiết trong cuộc sống số hàng ngày.
Với một nền tảng mạnh mẽ và tầm nhìn dài hạn, CSaaS của Estonia không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ an ninh mạng quốc gia mà còn là hình mẫu tiên tiến cho các quốc gia khác học hỏi và triển khai trong kỷ nguyên số.
Trung tâm phòng thủ mạng
NATO chính thức công nhận không gian mạng là một miền hoạt động chiến tranh vào năm 2016, tương tự như các miền truyền thống khác như không gian, biển, đất liền và không trung.
Điều này có nghĩa là các hoạt động trong không gian mạng có thể được coi như một phần của chiến tranh hiện đại, và có thể kích hoạt các điều khoản phòng thủ tập thể của khối.
Với kinh nghiệm thực tiễn của Estonia trong cuộc tấn công mạng 2007, cơ sở là nền tảng xã hội thông tin toàn diện và cam kết của chính phủ, năm 2008, NATO quyết định thành lập Trung tâm Phòng thủ Không gian mạng (NATO Cooperative Cyber Defence Centre of Excellence - CCDCOE) đặt tại Tallinn.
Trung tâm này là một cơ sở nghiên cứu và huấn luyện quốc tế hàng đầu về an ninh mạng, đóng vai trò chính trong việc xây dựng các chiến lược phòng thủ mạng cho NATO và các quốc gia thành viên.
Trong khi đó, Estonia cũng đã chứng minh năng lực xây dựng và duy trì hệ thống phòng thủ mạng mạnh mẽ. Sau cuộc tấn công mạng năm 2007, chính phủ Estonia đã đầu tư mạnh vào công tác an ninh mạng, bao gồm việc phát triển các công nghệ mã hóa tiên tiến, sử dụng blockchain để bảo vệ dữ liệu công, và phát triển các giải pháp phòng thủ mạng linh hoạt.
Quốc gia này cũng đã xây dựng Đội Ứng phó Khẩn cấp An ninh mạng Quốc gia (CERT-EE), một trong những đội chuyên gia hàng đầu tại châu Âu trong việc xử lý và phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công mạng.
Việc NATO đặt CCDCOE tại Estonia không chỉ giúp nước này tăng cường an ninh mạng mà còn biến đây trở thành trung tâm hợp tác về an ninh mạng, nơi các quốc gia thành viên có thể chia sẻ thông tin, nghiên cứu và phát triển các giải pháp phòng thủ mạng mới.
Như vậy, từ một nạn nhân, Estonia đã trở thành quốc gia tiên phong trong bảo vệ không gian mạng, cùng với đó là vị thế nâng tầm đáng kể trong khu vực châu Âu nói chung và NATO nói riêng.
(Theo OECD, GovInsider, CDI)
Lãnh đạo nước NATO tuyên bố sẽ chặn Ukraine gia nhập liên minh
NATO tuyên bố không chặn tên lửa và máy bay không người lái trên bầu trời Ukraine