Chứng khoán

Chưa đầy một năm, Tập đoàn Sơn Hải hai lần trượt thầu trước cùng một đối thủ tại các gói thầu lớn

Trần Trung 27/05/2025 10:07

Sau cú trượt vì đối tác quên nộp 330.000 đồng, Tập đoàn Sơn Hải tiếp tục bị loại khỏi gói thầu dù báo giá thấp nhất và cam kết bảo hành 10 năm. Cả hai lần, cái tên thắng thầu đều quen thuộc.

Chưa đầy một năm, Tập đoàn Sơn Hải hai lần trượt thầu trước cùng một đối thủ tại các gói thầu lớn - ảnh 1
Cao tốc đi qua tỉnh Bình Phước dài 7km (Ảnh: Đình Trọng)

Fanpage chính thức của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải mới đây đã công bố văn bản gửi Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước, thể hiện quan điểm phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Đây là gói thầu được tổ chức đấu thầu công khai qua mạng với giá trị hơn 881 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của 5 nhóm nhà đầu tư – đều là các tên tuổi lớn trong ngành xây dựng giao thông tại Việt Nam.

Kết quả, Liên danh Cao tốc HCM-TDM-CT (gồm Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát) được công bố trúng thầu với giá gần 845 tỷ đồng.

Các đơn vị bị loại gồm: CTCP Tập đoàn Cienco4 và Tập đoàn Sơn Hải (dự thầu độc lập); hai liên danh khác là Cao tốc Bình Phước (gồm Đại Phong, Vinaconex, Lữ Gia) và IB250005761 (gồm Hải Đăng, Đèo Cả, Thuận Hà).

Chưa đầy một năm, Tập đoàn Sơn Hải hai lần trượt thầu trước cùng một đối thủ tại các gói thầu lớn - ảnh 2

Theo phản ánh từ phía Sơn Hải, doanh nghiệp “rất bất ngờ” khi đơn vị trúng thầu lại là liên danh có giá dự thầu cao nhất. Trong khi đó, các nhà thầu bị loại như Cienco4, Vinaconex, Đèo Cả và chính Sơn Hải đều là những doanh nghiệp từng tham gia và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, có quy mô lớn hơn cả gói thầu lần này.

Đáng chú ý, Sơn Hải cam kết bảo hành công trình trong thời gian lên tới 10 năm và đưa ra mức giá dự thầu thấp nhất – chỉ 732 tỷ đồng, thấp hơn 113 tỷ đồng so với đơn vị trúng thầu, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng quyết định lựa chọn nhà thầu như trên có dấu hiệu trái quy định pháp luật về đấu thầu, dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách và ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp đã gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại kết quả đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 61km, đi qua địa phận TP. HCM (2km), Bình Dương (52km) và Bình Phước (7km). Dự án được thiết kế với tốc độ khai thác từ 100–120 km/h, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Bộ.

Đáng lưu ý, trước đó vào tháng 8/2024, liên danh giữa Tập đoàn Sơn Hải và Tập đoàn Đèo Cả cũng từng bị loại khỏi gói thầu 4.7 trị giá hơn 6.300 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành. Trong khi đó, liên danh trúng thầu khi ấy cũng có sự tham gia của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn.

Cụ thể, liên danh trúng thầu gồm 6 nhà thầu: ACC, Trường Sơn, Vinaconex, Cienco4, CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam và CTCP Xây dựng Công trình Hàng không Sáu Bốn Bảy.

Trong khi đó, liên danh còn lại gồm 8 đơn vị: Đèo Cả, Xây dựng Đèo Cả, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Lizen, Thăng Long, Hoàng Long, Hòa Hiệp và Sơn Hải. Kết quả được ACV công bố cho thấy liên danh ACC trúng thầu, còn liên danh Đèo Cả bị loại do một thành viên – Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long – bị tạm ngừng tư cách hợp lệ trên hệ thống đấu thầu do chưa nộp phí duy trì.

Tuy nhiên, liên danh Đèo Cả sau đó đã phản hồi bằng văn bản gửi Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết tài khoản của Hoàng Long trên hệ thống vẫn đang hoạt động bình thường và lỗi chỉ là do quên nộp phí duy trì thường niên 330.000 đồng.

Một chuyên gia nhận định đây là lỗi “ngớ ngẩn”, bởi khi chưa đóng phí, nhà thầu không thể tải hồ sơ dự thầu – điều mà bất kỳ đơn vị nào cũng dễ dàng phát hiện và khắc phục.

Ngày 15/8, Cục Quản lý Đấu thầu phản hồi rằng các tổ chức nếu đáp ứng điều kiện theo khoản 1, điều 5 của Luật Đấu thầu thì vẫn được coi là đủ tư cách hợp lệ đối với các gói thầu không thực hiện qua mạng.

Những tranh cãi quanh các gói thầu lớn trong lĩnh vực hạ tầng cho thấy áp lực minh bạch và trách nhiệm giải trình ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết đối với cả chủ đầu tư và nhà thầu.

>> Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu dù bỏ giá thấp hơn đối thủ hàng trăm tỷ đồng gây bão dư luận: Ban quản lý dự án 'sẽ cho anh em kiểm tra lại'

Tập đoàn Sơn Hải bị đánh trượt gói thầu cao tốc, hé lộ hàng loạt nguyên nhân phía sau

Tập đoàn Sơn Hải và những lần trượt thầu tại những đại dự án quy mô với cùng một lý do

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/phan-tich/chua-day-mot-nam-tap-doan-son-hai-hai-lan-truot-thau-truoc-cung-mot-doi-thu-tai-cac-goi-thau-lon-143306.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Chưa đầy một năm, Tập đoàn Sơn Hải hai lần trượt thầu trước cùng một đối thủ tại các gói thầu lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH