Cổ phiếu DSC đã có nhiều biến động trong hơn 1 năm trở lại đây.
CTCP Chứng khoán DSC (mã chứng khoán DSC) công bố bố BCTC quý 2/2023 với số lãi đột biến gần 45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm DSC lãi sau thuế 56 tỷ đồng, gần gấp 6 lần cùng kỳ.
Con số lãi đột biến quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Chứng khoán DSC đến từ những chỉ tiêu đột biến trên bảng báo cáo kết quả hoạt động của công ty.
Nhìn từ khoản thu 25 tỷ đồng tư vấn đầu tư chứng khoán
Cơ cấu doanh thu hoạt động của chứng khoán DSC có một số chỉ tiêu tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Khoản thu nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán phát sinh trong quý 2 với số tiền 25 tỷ đồng. Cùng kỳ không phát sinh khoản này. Đối với khoản 25 tỷ đồng thu nghiệp vụ tư vấn chứng khoán, BCTC của DSC ghi nhận trong quý công ty có phát phát sinh giao dịch với bên liên quan là CTCP Đầu tư NTP với phí tư vấn 25 tỷ đồng, phí chuyển nhượng quyền mua hơn 2,57 tỷ đồng. Đầu tư NTP là công ty mẹ đang sở hữu 70% vốn cổ phần tại Chứng khoán DSC.
Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng mạnh từ gần 2 tỷ đồng quý 2 năm ngoái lên hơn 30 tỷ đồng, tương ứng gấp khoảng 16 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu từ mảng môi giới chứng khoán đạt hơn 41 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ.
Lãi từ khoản cho vay và phải thu hơn 29 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 lãi từ cho vay và phải thu đạt gần 60 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ.
Cộng doanh thu hoạt động quý 2 đạt 126 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt 194 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ. Trong khi đó cộng chi hoạt động chỉ hơn 27 tỷ đồng riêng quý 2 và lũy kế 46 tỷ đồng trong 6 tháng.
Chi phí lãi vay trong quý hơn 35 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Tổng chi phí lãi vay trong 6 tháng hơn 61 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đến 30/6/2023 hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất là BIDV với 1.252 tỷ đồng. Chủ nợ lớn thứ 2 là PGBank với 564 tỷ đồng và Vietcombank thứ 3 với 310 tỷ đồng.
Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới số lãi đột biến quý 2 gần 45 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 4 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 Chứng khoán DSC lãi sau thuế 56 tỷ đồng, gần gấp 6 lần cùng kỳ.
Nhân tố CTCP Đầu tư NTP
Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, thành lập năm 2006. Hiện tại được biết đến là thành viên của Tập đoàn Thành Công TC Group.
Tháng 8/2021 Chứng khoán Đà Nẵng tiến hành tăng vốn khủng, từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng tương ứng tăng hơn 16 lần bằng cách phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu. CTCP Đầu tư NTP là một trong các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ lúc đó. NTP đã mua 70 triệu cổ phiếu, trở thành công ty mẹ - cổ đông lớn. Trước giao dịch này Đầu tư NTP không sở hữu cổ phiếu DSC nào.
CTCP Đầu tư NTP – công ty mẹ của Chứng khoán DSC - là doanh nghiệp rất “trẻ”, thành lập tháng 3/2021 có địa chỉ tại tầng 8 Thành Công Building, số 80 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Như vậy Đầu tư NTP vừa thành lập được mấy tháng đã thực hiện thương vụ thâu tóm Chứng khoán Đà Nẵng.
NTP do ông Nguyễn Đức Anh là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ông Nguyễn Đức Anh cũng là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán DSC.
Về với hệ sinh thái TC Group từ năm 2021, nhưng giai đoạn cuối 2021 và cả năm 2022 Chứng khoán DSC không có nhiều nổi bật trong hoạt động chứng khoán. Doanh thu mảng môi giới chứng khoán cả năm 2022 đạt 26 tỷ đồng. Chủ yếu nguồn thu của DSC là từ lãi các khoản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo HTM, lãi từ các khoản cho vay và phải thu.
Tổng giá trị giao dịch qua DSC cả năm 2022 hơn 9.650 tỷ đồng, còn 6 tháng đầu năm 2023 là 19.134 tỷ đồng, trong đó có 17.077 tỷ đồng là giao dịch của nhà đầu tư. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đến cuối quý 2 đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Tăng vốn gấp đôi, sắp "góp" một tỷ phú sở hữu nghìn tỷ trên sàn chứng khoán
Chứng khoán DSC mới đây thông báo phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.
Đáng chý ý, công ty mẹ NTP đợt này từ bỏ quyền mua thêm, đăng ký bán toàn bộ 70 triệu quyền mua. Tuy nhiên hết thời gian vẫn chưa thực hiện được. Ngay sau đó Chứng khoán DSC đã gia hạn thời gian chuyển nhượng quyền mua thêm 1 tuần. Và NTP đã có thông báo chuyển nhượng toàn bộ 70 triệu quyền mua thành công.
Phía mua vào, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT công ty, báo cáo mua xong đúng 70 triệu quyền mua trong cùng thời gian, nâng tổng lượng quyền mua sở hữu sau giao dịch lên 71,5 triệu đơn vị.
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán DSC |
Hiện tại ông Đức Anh đang sở hữu 1,5 triệu cổ phiếu (tương ứng 1,5 triệu quyền mua được phân bổ). Nếu thực hiện hết quyền, ông Đức Anh mua thêm 71,5 triệu cổ phiếu phát hành thêm đợt này, tương ứng chi 715 tỷ đồng. Sau giao dịch ông Đức sẽ có tổng cộng 73 triệu cổ phiếu DSC.
Ông Nguyễn Đức Anh sinh tháng 1/1995, hiện ở tại Hà Nội. Hiện tại cổ phiếu DSC đang giao dịch trên sàn chứng khoán với mức giá 24.800 đồng/cổ phiếu. Sau khi Chứng khoán DSC phát hành tăng vốn thành công, vị lãnh đạo U30 này liệu sẽ trở thành một trong những tỷ phú sở hữu khối tài sản nghìn tỷ trên sàn chứng khoán?
Cổ phiếu DSC có nhiều biến động mạnh
Trên thực tế, từ khi về tay NTP, cổ phiếu DSC cũng có rất nhiều biến động trên sàn chứng khoán. Thậm chí năm 2022 đã có giai đoạn DSC "vẽ hình cây thông" khi tăng mạnh từ dưới 10.000 đồng/cổ phiếu giai đoạn đầu tháng 7/2022 lên đến hơn 39.500 đồng/cổ phiếu vào gần cuối tháng 11/2022 (giá đã điều chỉnh), tương ứng gấp 4 lần chỉ trong vòng 4 tháng.
Sau khi tăng sốc, DSC lại có nhịp giảm sâu, về quanh mức 15.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1 tháng, vẽ nên hình cây thông với sường xuống thẳng đứng.
Hiện tại DSC đang tăng mạnh khoảng 38% từ đầu năm 2023 đến nay.