Hiện danh mục đầu tư tự doanh của PHS có nhiều cổ phiếu lớn như SAB, FPT, HPG, VHM, VNM, GAS, ACV,... song giá trị các khoản đầu tư này chỉ từ vài trăm triệu đến dưới 3 tỷ đồng/mã.
CTCP Chứng khoán Phú Hưng (Mã PHS - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 với ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt gần 290 tỷ đồng trong đó đóng góp đáng kể nhất là lãi từ cho vay (đạt 156 tỷ đồng - tăng 65% so với cùng kỳ 2021) và doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán (hơn 109 tỷ đồng).
Dư nợ vay margin của PHS nửa đầu năm 2022 - giảm 17% so với cùng kỳ
Thu nhập từ mảng đầu tư tự doanh và đánh giá lại các tài sản tài chính theo hoạt động này giảm mạnh so với cùng kỳ đóng góp không đáng kể trong cơ cấu doanh thu của PHS.
Tuy nhiên, chi phí cho các khoản mục này đều ghi nhận mức tăng mạnh hơn so với cùng kỳ và doanh thu nhận về.
Được biết công ty hiện nắm trong danh mục đầu tư nhiều cổ phiếu lớn như SAB, FPT, HPG, VHM, VNM, GAS, ACV,... song giá trị các khoản đầu tư này chỉ từ vài trăm triệu đến dưới 3 tỷ đồng/mã.
Chứng khoán Phú Hưng cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của chi phí hoạt động môi giới chứng khoán (tăng 18% YoY) lên mức 106 tỷ đồng - gần bằng doanh thu mảng này. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận lỗ hơn 39 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá (cùng kỳ dương hơn 200 triệu đồng).
Khấu trừ các khoản thuế, phí, PHS báo lãi sau thuế hơn 45 tỷ đồng - chỉ bằng 80% so với thực hiện trong bán niên 2021.
Bán niên 2022, tổng tài sản của PHS là hơn 4.300 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm về 1.582 tỷ và nợ phải trả ở mức 2726 tỷ đồng (gần như tuyệt đối là nợ vay ngắn hạn).
Lưu chuyển tiền thuần hoạt động kinh doanh tính đến cuối quý II/2022 ghi nhận ở mức 504 tỷ đồng so với mức -471 tỷ đồng trong cùng thời điểm. Khoản tiền và tương đương cũng tăng gấp 4,16 lần YoY lên mức 675 tỷ đồng.