Chứng khoán

Chứng khoán tháng 11 - Tín hiệu giao thoa của rủi ro

Quốc Trung 10/11/2024 13:09

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 6/11 đem đến những kỳ vọng chính sách mới trên toàn cầu. Tuy nhiên, VN-Index vẫn đang chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 11 phụ thuộc nhiều vào biến động lãi suất và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Ngày 6/11/2024, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump. Ngay lập tức, thị trường tài chính toàn cầu đã có những diễn biến trái chiều. Phố Wall ngay sau đó đồng loạt ghi nhận sắc xanh; các chỉ số Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 đều tăng điểm tốt. Tuy nhiên, thị trường vàng lại bị nhà đầu tư bán tháo mạnh.

Trong nước, hiệu ứng bầu cử lan tỏa giúp VN-Index kết phiên 6/11 ở mức 1.261 điểm, tăng 15,52 điểm. Tuy nhiên, hiệu ứng từ chiến thắng của ông Donald Trump không kéo dài khi thị trường chứng khoán đã giảm hai phiên ngay sau đó. VN-Index đóng cửa tuần giảm về 1.252 điểm.

Quan sát trên thị trường, không nhóm ngành lớn nào đem đến cơ hội cho nhà đầu tư, sắc xanh chủ yếu đến từ một số nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Dòng tiền heo hút sau cả quý III trầm lắng, tâm lý nhà đầu tư cũng đang rất thận trọng. Về mặt kỹ thuật, VN-Index cũng đang trong quá trình dò đáy không quá rõ ràng. Vậy cơ hội nào cho nhà đầu tư trong tháng 11 này?

Chứng khoán tháng 11 - Tín hiệu giao thoa của rủi ro
VN-Index đã có 8 tháng "mắc kẹt" tại vùng 1.200-1.300 điểm

Chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên viên quản lý tài sản Trịnh Thị Hương, từ Chứng khoán Mirae Asset (chi nhánh Hoàn Kiếm), cung cấp thêm góc nhìn tới Quý độc giả và nhà đầu tư về thị trường chứng khoán thời điểm này.

[Highlight phỏng vấn]

- Ông Trump tái đắc cử, lạm phát có thể quay trở lại
- 5 kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ gần nhất, bất cứ ai thắng cuộc, giá vàng đều giảm sâu
- Tỷ giá đang là "cơn đau đầu" trong nước
- Thanh khoản ở các tổ chức tín dụng đang gặp áp lực ngắn hạn
- Tiền lớn quan sát thị trường, tung số lượng nhỏ đi "đánh lẻ" cổ phiếu có câu chuyện
- Nhiều yếu tố rủi ro cùng hiện diện là biến số thị trường trong tháng 11

Kết quả bầu cử Mỹ đã khép lại với chiến thắng áp đảo của ông Trump. Chị có thể nhận diện một vài chuyển động vĩ mô quan trọng từ sự kiện này?

Chị Trịnh Thị Hương: Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán nước này đã tăng mạnh với hy vọng tân Tổng thống sẽ mang lại sự hùng cường cho nước Mỹ. Tuy nhiên, việc chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của USD với 6 đồng tiền lớn trên thế giới) bật tăng mạnh ở mốc 105 điểm có thể gây ảnh hưởng lớn đến tỷ giá ngoại hối.

Đặc biệt, trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài (TPKB) bị nhà đầu tư bán tháo do e ngại chính sách của ông Trump có thể sẽ tác động làm lạm phát quay trở lại, từ đó dẫn tới lãi suất có thể không giảm được như lộ trình của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, lợi tức TPKB Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 4,386%, mức tăng mạnh nhất trong năm. Mức lợi tức này cũng vượt ngưỡng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chỉ xếp sau mức kỷ lục thiết lập tháng 10/2023.

Ngay sau bầu cử, ngày 7/11, Fed quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất lần thứ hai trong năm 2024. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ hiện còn 4,5-4,75%, hạ 0,25%. Sau hai lần điều chỉnh, Fed đã giảm 0,75% lãi suất. Tôi cho rằng, các chính sách nâng thuế nhập khẩu và giảm thuế trong nước của Trump nếu được thực thi quyết liệt có thể kéo lạm phát tăng trở lại.

Yếu tố khác cần lưu tâm là sự chuyển động của giá vàng. Theo thống kê, trong 5 kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ gần nhất, bất cứ ai đắc cử, giá vàng đều sẽ giảm sâu. Thực tế từ chiều 6/11 đến nay, giá vàng đã giảm rất mạnh khoảng gần 100 USD/ounce.

Chứng khoán tháng 11 - Tín hiệu giao thoa của rủi ro
Giá vàng thế giới và trong nước rớt mạnh ngay sau bầu cử Tổng thống Mỹ

Sự e ngại của các quốc gia châu Á, nền kinh tế bị ảnh hưởng khi ông Trump lên nắm quyền, những chính sách của ông có thể dẫn tới các diễn biến tiêu cực. Trong khung ngắn hạn, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thấy gì từ những chuyển động chính sách tiền tệ trong nước gắn với vĩ mô thế giới?

Chị Trịnh Thị Hương: Trong nước, tỷ giá tiếp tục là cơn đau đầu đối với nhà điều hành, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng tới công cụ bán tín phiếu để điều tiết tỷ giá và rất có thể sẽ phải bán ngoại tệ nếu tỷ giá tiếp tục căng thẳng như hiện nay.

Kho bạc Nhà nước công bố mua tổng khối lượng lên đến 1,05 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã có 4 đợt mua ngoại tệ, lên tới 700 triệu USD. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đã có phiên tăng mạnh ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, trong đó lãi suất qua đêm lên mức 6,2%/năm, cao nhất kể từ đầu năm 2024, thậm chí có những “deal” lên tới 8%. Điều này cho thấy thanh khoản dòng tiền ở các tổ chức tín dụng trong hệ thống đang gặp áp lực ngắn hạn.

Quay trở lại với diễn biến thị trường chứng khoán, VN-Index đã mắc kẹt tại vùng 1.200-1.300 điểm trong 8 tháng qua. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc ông Trump tái nhiệm như một chỉ báo giúp thị trường lên điểm. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại trong hai phiên cuối tuần. Đâu là góc nhìn của chị cho tháng 11 này?

Chứng khoán tháng 11 - Tín hiệu giao thoa của rủi ro
Chuyên viên quản lý tài sản Trịnh Thị Hương, từ Chứng khoán Mirae Asset (chi nhánh Hoàn Kiếm)

Chị Trịnh Thị Hương: Theo tôi quan sát, thị trường chứng khoán đoạn này đang còn khá chênh vênh do các thông tin gây nhiễu từ bên ngoài lẫn bên trong tác động. Vì thế, dòng tiền lớn vẫn đang thận trọng đứng ngoài, chưa hào hứng tham gia. Phiên giao dịch ngày 5/11, thanh khoản sàn HoSE chỉ đạt 8.184 tỷ đồng, mức thấp nhất 18 tháng. Khối ngoại tiếp tục nối dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ 19 với giá trị hơn 11.000 tỷ đồng.

Sự phân hóa đang khá rõ ràng, nhóm trụ cột tài chính, sau đợt tăng giá ngắn hạn, trở thành gánh nặng của thị trường. Trong khi đó, những nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng phân hóa; một số ngành được kỳ vọng hưởng lợi khi ông Trump đắc cử đã được dòng tiền tìm tới như: Bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, điện tử linh kiện, gỗ và nội thất.

Ở góc độ lịch sử, vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán đều giảm mạnh, tạo đáy và đi lên trong tháng 11. Điển hình như tháng 11/2022 VN-Index giảm về 874 điểm trước khi bật tăng, hay như tháng 11/2023, chúng ta có đợt điều chỉnh thấp nhất ở 1.020 điểm trước khi VN-Index có nhịp tăng 200 điểm trong vài tháng sau đó. Tôi cho rằng, tháng 11 năm nay, nhà đầu tư vẫn cần cảnh giác khi mà mọi yếu tố tác động từ bên ngoài, bên trong và trên thị trường chứng khoán đang cho thấy sự giao thoa của rủi ro.

Tuy nhiên, thị trường tài chính luôn có biến số cơ hội trong rủi ro. Những nhóm ngành được hưởng lợi trong quý IV/2024 cũng như kết quả kinh doanh cả năm 2024 tích cực sẽ được dòng tiền thông minh tìm tới.

Lại nói về kết quả kinh doanh, chị có thể thông tin rõ hơn về bức tranh tài chính quý III của doanh nghiệp?

Chị Trịnh Thị Hương: Theo cập nhật tới đầu tháng 11/2024, đã có 1.100 doanh nghiệp, đại diện 98,5% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh. Tổng lợi nhuận sau thuế quý III tăng 21,6% so với cùng kỳ và tương đương với hai quý trước đó. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng mức nền so sánh của quý vừa qua cao hơn nhiều so với mức thấp điểm của hai quý đầu năm 2024.

Tăng trưởng lợi nhuận được đóng góp chủ yếu bởi nhóm phi tài chính, tăng 29% trong khi nhóm tài chính ghi nhận mức tăng thấp hơn 15,7% do kết quả kém đi ở chứng khoán (giảm 9,7%) và bảo hiểm (giảm 32,5%).

Xét theo quy mô vốn hóa, nhóm VN30 dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận quý III với mức tăng 22%. Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng lần lượt 14,6% và 21% so với cùng kỳ.

>> Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững

VN-Index có thể đạt mốc 1.345 điểm trước mùa BCTC quý IV/2024

BĐS Việt Nam được và mất gì sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-thang-11-tin-hieu-giao-thoa-cua-rui-ro-259237.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chứng khoán tháng 11 - Tín hiệu giao thoa của rủi ro
    POWERED BY ONECMS & INTECH