Tháng 9/2022 bất ngờ trở thành ác mộng với hàng vạn chứng sĩ trên thị trường chứng khoán. Đà giảm điểm của VN-Index đã lấy đi 600.000 - 700.000 tỷ đồng vốn liếng của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết phiên 30/9/2022 hồi mạnh hơn 33 điểm từ đáy và kết phiên tăng 6,04 điểm (0,54%) lên 1.132,11 điểm qua đó ngắt chuỗi 5 phiên giảm điểm trước đó. Dù vậy, nhìn chung thì trường vẫn đang trong trạng thái tiêu cực và bất định.
Tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin như Mỹ tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc cũng như các ngân hàng nước này đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm.
Thị trường giảm tuần thứ 5, VN-Index mất 157 điểm từ cuối tháng 8: Kết tuần giao dịch từ 26 - 30/9, VN-Index giảm 71,17 điểm (-5,9%) so với tuần trước; HNX-Index giảm 14,19 điểm (-5,37%) xuống 250,25 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 3,63 điểm (-4,1%) xuống 84,96 điểm.
Tuần giảm vừa qua cũng là tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp của VN-Index sau chuỗi 8 tuần hồi phục lên ngưỡng 1.288,88 điểm (phiên 25/8), VN-Index đồng thời cùng xuống dưới mức đáy gần nhất hồi tháng 7/2022.
Việc VN-Index thủng đáy tháng 7 là một tín hiệu xấu về mặt kỹ thuật bởi khi ngưỡng hỗ trợ được củng cố tới 2 lần trong 2 tháng và khởi động được một nhịp tăng kỹ thuật tháng 7, tháng 8 bị xuyên thủng nghĩa là sức ép đang rất lớn.
VN-Index về đáy 18 tháng: Sau 5 tuần, chỉ số đại diện của thị trường mất tới gần 157 điểm - giảm gần 12,2%.
Nếu chỉ tính riêng trong tháng 9, VN-Index đã kết thúc tháng 9 đầy sóng gió với mức giảm hơn 11,5% còn 1.132,11 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 (tính theo giá đóng cửa phiên cuối cùng của tháng). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong một tháng của chỉ số kể từ tháng 3/2020 - thời điểm thị trường chỉnh sâu vì đợt COVID-19 lần 1...
Vốn hóa sàn HOSE "bốc hơi" hơn 588.000 tỷ đồng: Mức giảm 11,5% cũng đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm các thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9 sau Hàn Quốc, Nga, Hong Kong, Philipines,... Chỉ trong 1 tháng, vốn hóa sàn HOSE "bốc hơi" hơn 588.000 tỷ đồng (~25,13 tỷ USD) về mức 4,5 triệu tỷ đồng.
Nếu tính thêm cả sàn HNX và UPCoM, con số này thậm chí có thể lên đến mức 700.000 tỷ.
Hụt hẫng giao dịch lô lẻ, T+, thanh khoản thị trường "mất hút": Bất chấp những kỳ vọng về việc áp dụng giao dịch lô lẻ trên HOSE từ 12/9 cũng như giải pháp giao dịch T+2 từ ngày 29/8/2022, thanh khoản thị trường trong tháng 9 tiếp tục hạ nhiệt so với tháng trước đó.
Cụ thể, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên sàn HOSE chỉ chưa đến 11.800 tỷ đồng - giảm 16% so với tháng trước và là mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021 (chỉ sau tháng 7/2022). Thậm chí nhiều phiên giao dịch giá trị khớp lệnh trên HOSE chưa đến 10.000 tỷ đồng.
Sở dĩ thanh khoản thị trường trầm lắng là do nhà đầu tư lo ngại những biến động tiêu cực của thị trường, nhất là khi chứng khoán thế giới suy giảm mạnh sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng với quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 23/9.
Một số dự báo trước đó cho rằng, thanh khoản có thể tăng 20-30% tùy vào sự hưng phấn thị trường. Đối với giao dịch lô lẻ, nếu các thành viên thị trường cũng kỳ vọng thanh khoản tăng khi thị trường thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư.
4.065 tỷ đồng tiền ngoại bị rút khỏi HOSE sau 6 tuần: Kết tuần giao dịch cuối tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng ở mức 36,7 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị 1.186 tỷ đồng.
Riêng sàn HOSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị 927 tỷ đồng (lũy kế 6 tháng bán ròng 4.065 tỷ đồng).
Tính riêng trong tháng 9, dòng tiền này đã rút ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HOSE trong khi 8 tháng đầu năm mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng. Việc Fed tăng tốc hút tiền gây ra áp lực rút vốn trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và cận biên trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Giao dịch khối ngoại trên các sàn trong thắng 9 (Đvt: Tỷ đồng).