Góc nhìn đánh thuế chứng khoán: Nếu thu 20% với người lãi, có nên hoàn 0,1% cho người lỗ?
Với góc nhìn của người đã đồng hành cùng thị trường chứng khoán hơn hai thập kỷ, câu chuyện dưới đây mang đến một lát cắt khác về đề xuất đánh thuế 20% với lãi chứng khoán.
![]() |
Hình minh họa |
Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế mới đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán: Thay vì thu 0,1% trên doanh thu mỗi lần giao dịch như hiện tại, nhà đầu tư sẽ nộp thuế suất 20% trên phần thu nhập ròng, tức là phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua sau khi trừ các chi phí liên quan.
Với trường hợp không thể xác định giá mua và chi phí, cá nhân vẫn sẽ nộp thuế theo cách hiện hành.
Đây là một bước điều chỉnh đáng chú ý. Trước đó, Luật Thuế TNCN năm 2007 từng cho phép nhà đầu tư chọn tạm nộp 0,1% rồi quyết toán theo lãi – lỗ vào cuối năm. Tuy nhiên, Luật sửa đổi năm 2014 đã thống nhất phương án thu duy nhất 0,1% trên doanh thu, không phân biệt lời hay lỗ, cũng không quyết toán.
Chính vì vậy, việc chuyển sang đánh thuế theo thu nhập thực được đánh giá là hợp lý hơn về bản chất thuế thu nhập cá nhân, vốn được thiết kế để đánh vào phần lợi ích thực tế của người nhận được.
Tuy nhiên, khi đề xuất mức 20% trên lãi ròng, nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề: Liệu chính sách có thực sự công bằng và khả thi trong bối cảnh hiện nay?
Nhà đầu tư chứng khoán phản ứng ra sao?
Một nhà đầu tư kỳ cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm nhận định: “Nếu người lãi chịu thêm 20% thuế, thì người lỗ cũng nên được xem xét hoàn lại khoản 0,1% thuế đã tạm nộp, để tạo sự công bằng trong đối xử”.
Thực tế, hiện nay tất cả nhà đầu tư – bất kể lời hay lỗ – đều đang nộp 0,1% thuế trên mỗi giao dịch. Trong khi đó, thống kê tại một sự kiện do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức cho thấy 99,78% giao dịch trên thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân và phần lớn mang tính đầu cơ, "đánh chứng" theo tin đồn. Trước đó, chia sẻ từ lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn từng tiết lộ, có tới 95% nhà đầu tư cá nhân thường xuyên thua lỗ.
Trong trường hợp không có cơ chế hoàn thuế cho khoản đã nộp 0,1% với người lỗ, đề xuất 20% với người lãi có thể tạo cảm giác mất cân đối. Đặc biệt là khi hoạt động đầu tư vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, không phải ai cũng sinh lời đều đặn.
Về phía các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng đây mới là nhóm sẽ bị tác động trực tiếp và rõ ràng hơn nếu chính sách này được triển khai. Khác với cá nhân nhỏ lẻ, các tổ chức này quản lý danh mục lớn, hoạt động theo chiến lược dài hạn và tỷ suất sinh lời ổn định hơn.
Theo ông Nguyễn Công Minh – Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, ngành quỹ Việt Nam đang quản lý danh mục khoảng 765.000 tỷ đồng, NAV gần 94.000 tỷ đồng, phần lớn tập trung tại các quỹ ETF và quỹ mở. Trong 10 năm gần đây, tỷ suất sinh lời bình quân đạt khoảng 13%/năm – tức có lãi thực tế và có khả năng đóng thuế.
![]() |
Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán |
Tuy vậy, các tổ chức đầu tư cũng sẽ cần điều chỉnh lại chiến lược để cân đối dòng tiền, nhất là khi phần lợi nhuận có thể bị thuế làm suy giảm. Việc thu đúng và thu đủ là cần thiết, nhưng cũng cần đảm bảo sự ổn định của dòng vốn trung – dài hạn trên thị trường.
Chuyên gia: Thu thuế theo lãi là hợp lý, nhưng cần xem lại mức 20%
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – nhận định rằng việc đánh thuế theo phần lãi ròng là hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. “Đây là cách mà hầu hết thị trường lớn đang áp dụng. Nguyên tắc cơ bản là có thu nhập thì mới nộp thuế, lỗ thì không cần. Đó là sự công bằng trong đầu tư”, ông Minh nói.
Theo vị chuyên gia, thuế đánh trên lợi nhuận phản ánh đúng bản chất của đầu tư, thay vì đánh trên doanh thu như hiện tại.
Tuy nhiên, với phương án thu 20% trên phần lãi, một số chuyên gia cho rằng mức thuế này đang cao so với mặt bằng quốc tế. Nhiều nước hiện áp dụng mức 10–15% cho khoản lãi từ đầu tư chứng khoán. Nếu Việt Nam áp dụng ngay mức 20% mà không có lộ trình, nhà đầu tư có thể phản ứng tiêu cực.
Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc điều hành Bộ phận Môi giới khách hàng tổ chức và Tư vấn đầu tư, Chứng khoán SBBS – nhìn nhận, phương án hiện hành với mức 0,1% trên giá trị bán có ưu điểm là đơn giản và thấp hơn phí môi giới tại nhiều công ty. Tuy nhiên, nếu chuyển sang thu 20% trên phần lãi, chênh lệch số thuế giữa hai phương án có thể rất lớn.
Ví dụ, với một người đầu tư 1 tỷ đồng mua cổ phiếu, nếu bán khi lãi 200 triệu đồng, theo cách tính hiện tại họ nộp 1,2 triệu đồng thuế. Nếu lỗ 200 triệu, họ vẫn nộp 800.000 đồng. Trong khi đó, nếu áp dụng phương án mới, người bán khi lãi 200 triệu sẽ nộp 40 triệu đồng, còn nếu lỗ thì không phải nộp thuế.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng số lượng nhà đầu tư cá nhân phải chịu mức thuế cao theo phương án này có thể sẽ không nhiều.
>> Đánh thuế 20% lãi chứng khoán: Nhà đầu tư Việt có đang chịu thiệt so với khu vực?