Ông là chứng nhân cuối cùng trong số các quân nhân và thủy thủ trên tàu USS Arizona, chiến hạm Mỹ bị đánh chìm trong trận Trân Châu Cảng thời Thế chiến II.
Pacific Historic Parks, tổ chức phi lợi nhuận tôn vinh những người thiệt mạng trong vụ Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng, vừa qua ra thông báo ông Lou Conter đã qua đời tại nhà riêng ở California ngày 1/4, hưởng thọ 102 tuổi.
"Ông mất đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn", bà Aileen Utterdyke, chủ tịch kiêm CEO của tổ chức, bày tỏ. "Lou Conter là hình ảnh thu nhỏ của những người thuộc Thế hệ Vĩ đại nhất, những người Mỹ đã dũng cảm, làm tròn phận sự và hy sinh để cứu đất nước".
Trận Trân Châu Cảng được cho là cột mốc then chốt của Thế chiến II. Trong hơn hai năm đầu của cuộc chiến tranh, Mỹ đóng vai trò như một quốc gia trung lập, chủ yếu hỗ trợ Anh và không can thiệp vào cuộc chiến vì lo ngại tác động của cuộc đại suy thoái và những ký ức mất mát trong Thế chiến I.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nhật trong nhiều năm trước đó, cộng với diễn biến trong Thế chiến II, khiến cuộc tấn công Trân Châu Cảng gần như là sự kiện không thể tránh khỏi
Ngoài ra, cuộc tấn công Trân Châu Cảng sẽ giúp Nhật gây bất ngờ và đánh sập tinh thần của hải quân Mỹ, ngăn lực lượng này đáp trả khi quân Nhật chinh phạt các mục tiêu ở châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng, Mỹ đã quyết định bước vào Thế chiến II sau trận thua đau này.
Sĩ quan quân nhu Lou Conter 20 tuổi khi Nhật Bản tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii vào ngày 7/12/1941. Trận chiến đã hủy diệt gần như toàn bộ hạm đội đóng tại căn cứ hải quân ở bang Hawaii (Mỹ). Toàn bộ 8 chiến hạm hải quân Mỹ có mặt ở cảng bị hư hỏng, 4 chiếc chìm. Trong đó, tàu USS Arizona là chiến hạm hư hại nặng nhất và không được trục vớt.
Đợt tấn công khiến hơn 2.000 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có hơn 1.100 người trên tàu USS Arizona. Ông Conter nằm trong số 335 thủy thủ và lính thủy đánh bộ trên con tàu sống sót sau vụ tập kích.
Sau đó, ông Conter đã tiếp tục học và trở thành phi công trong Thế Chiến II. Máy bay của ông từng bị bắn rơi hai lần, gồm một lần ở ngoài khơi đảo New Guinea, tại vùng biển có nhiều cá mập.
Trong vai trò sĩ quan tình báo, ông từng làm nhiệm vụ ở bán đảo Triều Tiên và tạo ra chương trình SERE (sống sót, trốn thoát, kháng cự và tẩu thoát) đầu tiên của hải quân Mỹ. Ông từng là cố vấn quân sự cho các tổng thống Dwight Eisenhower, John F. Kennedy và Lyndon Johnson.
Sau khi Conter qua đời, chỉ còn chưa đầy 20 cựu binh Mỹ từng sống sót trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng còn sống.
>> Loại mật mã 'vô địch' của phe Đồng minh khiến Nhật Bản 'bó tay' trong Thế chiến 2
Australia sẽ xây dựng hạm đội lớn nhất kể từ Thế chiến II
Ông Zelensky cảnh báo nguy cơ thế chiến 3, Ukraine muốn có chiến hạm cũ của Anh