'Chuyển đổi 10ha đất lúa, rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, rất rườm rà'
Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà.
Ngày 31/12, ngành Tài nguyên Môi trường (TN-MT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.
Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của ngành đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Toàn ngành đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật này với đa dạng phương thức lấy ý kiến, với 12 triệu lượt ý kiến góp ý.
Bộ đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt toàn bộ các quy hoạch cấp quốc gia (8/8 quy hoạch), đây đều là các quy hoạch quan trọng có tính chất khai mở, dẫn dắt, làm nền tảng cho sự phát triển ngành, lĩnh vực. Trong đó, việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta.
>>Người dân và doanh nghiệp TP.HCM thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi
Thủ tướng cũng ghi nhận việc triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu rất tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Việt Nam là nước đầu tiên công bố kế hoạch Huy động nguồn lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG).
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành TN-MT tuyệt đối không chủ quan, say sưa, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Ngoài ra, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.
Thêm nữa, công tác xây dựng thể chế, chính sách đã được quan tâm, cố gắng, tuy nhiên, việc tham mưu sửa đổi một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chưa được kịp thời, chậm so với yêu cầu. Việc triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc.
>>Bộ GTVT đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Dồn mọi nguồn lực để sửa Luật Đất đai
Kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ ở nhiều địa phương còn thấp. Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như đất đai nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa. Tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi xanh cần tiếp tục được ban hành. Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến nhanh…
Thủ tướng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm.
Thủ tướng lấy ví dụ thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà. 10ha đất lúa, 20ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.
Thủ tướng cũng yêu cầu đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước.