Việt Nam hiện được đánh giá là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu, nhưng chưa phát huy được sức mạnh giá trị tổng thể trong bối cảnh CMCN 4.0 và xu thế chuyển đổi số.
Hơn thập kỷ qua, Việt Nam (VN) đã có những bước tiến đáng chú ý trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Có thể kể ra như: Đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông di động và internet kết nối sâu rộng hay đã xây dựng được các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSLD) cơ bản của một số ngành, lĩnh vực, trong đó có 06 hệ thống CSDL quốc gia về: Dân cư; thống kê tổng hợp về dân số; đất đai quốc gia; tài chính; bảo hiểm; và đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng đã hình thành được các trung tâm dữ liệu (TTDL) thương mại có quy mô tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) . Theo đánh giá của Research and Markets, VN hiện được đánh giá là một trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu.
Năm 2020, thị trường TTDL của VN đạt 858 triệu USD và dự báo sẽ tăng trưởng kép hằng năm trên 14,64% cho đến năm 2026.
Theo giới chuyên gia và các nhà quản lý công nghệ, về cơ bản VN đã hoàn thành xây dựng được các hệ thống CSDL cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và phần nào đã phát huy được hiệu quả trong quản lý, sử dụng thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hiện nay các hệ thống này đã trở nên yếu kém, khó có thể phát huy được sức mạnh giá trị tổng thể trong bối cảnh CMCN 4.0 và xu thế chuyển đổi số. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự tập trung đồng bộ cũng như một giải pháp tổng thể cụ thể từ cấp quốc gia.
Xu hướng xây dựng các TTDL quốc gia tại VN hiện đang diễn ra mạnh mẽ, là sự chuẩn bị sẵn sàng quan trọng cho chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử của các ngành, lĩnh vực mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung giữa các cơ sở dữ liệu hoặc đã có ý tưởng về việc kết nối, chia sẻ thông tin nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm, khép kín nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về các ngành, lĩnh vực. Do đó, vẫn còn có tình trạng không thống nhất về thông tin cơ bản trong các cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực.
Việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các bộ, ngành, địa phương còn mang tính đặc thù riêng, theo chiều dọc của từng Bộ, ngành chủ trì mà chưa xây dựng và công bố những tiêu chuẩn chung nên thực tế đã phát sinh nhiều dự án trùng lặp, dữ liệu cát cứ, v.v., làm giảm sự thống nhất gây khó khăn trở ngại cho việc cập nhật và khai thác dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện các công tác nghiệp vụ có liên quan.
Còn thiếu các quy định pháp lý cụ thể trong triển khai xây dựng về cách thức thu thập, cập nhật, duy trì kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng, quy định đầy đủ về giá trị pháp lý của dữ liệu và vai trò của CSDL quốc gia trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức cá nhân dẫn tới việc đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ cho người dân trong việc cung cấp các dịch vụ công công trực tuyến gặp nhiều khó khăn hạn chế.
Chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng các CSDL quốc gia và các CSDL chuyên ngành quan trọng, do chưa xác định rõ phạm vi triển khai, trách nhiệm các bên, cách thức thu thập, cập nhật dữ liệu nên dẫn đến việc đầu tư có sự chồng lấn, hoặc lúng túng trong việc triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, các CSDL chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước tại các địa phương. Ngoài ra, việc mỗi bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc đều đầu tư triển khai xây dựng các TTDL dẫn tới số lượng trên cả nước hiện nay rất lớn và hầu hết đều chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh theo quy định, đặc biệt là chưa có các kịch bản phòng thủ, đối phó tấn công mạng và phương án khắc phục thảm họa, cũng như các TTDL, phòng máy chủ dự phòng cho hạ tầng CNTT quan trọng này.
Như vậy có thể thấy, công nghệ thông tin Việt Nam thời gian vừa qua tuy “trăm hoa đua nở”, phát triển nhanh và đa dạng nhưng bắt đầu bộc lộ sự phân tán, thiếu đồng bộ, dẫn tới lãng phí, chưa tận dụng được tối ưu nguồn lực đã đầu tư cũng như sức mạnh của công nghệ thông tin. Chính những điều này khiến Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, một bộ tiêu chuẩn thống nhất cho quốc gia. Chúng ta có thể nhìn sang tham khảo người láng giềng, một “gã khổng lồ công nghệ” - Trung Quốc.