Chuyên gia ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đầu Đông Nam Á, "cơn gió ngược" trong nước ít hơn thế giới rất nhiều
Dù kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn còn những dấu hiệu bất ổn nhưng theo chuyên gia từ ADB, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5,8% cho năm 2023, dẫn đầu tăng trưởng khu vực Đông Nam Á.
Bàn về những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam và dự báo tăng trưởng năm nay tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược", các chuyên gia cho rằng mặc dù có nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù có nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và trên thế giới. |
Tốc độ tăng trưởng giảm nhưng vẫn đáng ghi nhận
Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nước ta vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023. Tuy con số này giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận.
Theo ông, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được.
Chỉ ra những "cơn gió ngược" với kinh tế Việt Nam, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, các điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm lạm phát và các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt là những nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Về yếu tố tích cực, Việt Nam có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn nhiều so với các năm trước, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.
Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
"Cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân để lấp những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu", chuyên gia ADB khuyến nghị.
Bối cảnh vĩ mô chưa có sự ổn định
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh vào một số khó khăn mà Việt Nam cần phải đối diện và ứng phó trong thời gian tới, bao gồm:
Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định. Hiện nay, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy ứng xử của chúng ta trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt.
Chúng ta đã có cơ chế về sự linh hoạt, chủ động nên vấn đề đặt ra là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có ứng xử phù hợp.
Thứ hai, thách thức, khó khăn còn là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... Tác động của những vấn đề này không trực tiếp đến nước ta, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn, đặc biệt cầu thế giới vẫn đang ở mức thấp trong khi nền kinh tế của nước ta đang trên đà phát triển và sản lượng xuất khẩu của chúng ta rất nhiều, do vậy chúng ta đang phụ thuộc vào diễn biến của thế giới. Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn.
Thứ ba, các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững cho sự nghiệp của mình.
Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Và họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó, thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Do đó, để chiến thắng, họ phải quan tâm đến vấn đề này. Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này, và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Quan trọng là các doanh nghiệp phải thể hiện nhu cầu Nhà nước có thể hỗ trợ gì trong việc chuyển đổi cơ cấu để ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của toàn cầu.
Thứ tư, đó là doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới. Có lẽ mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa. Do đó chúng ta phải nghĩ đến mô hình mới, tiếp cận những cái mới.
Chúng ta thấy rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế. Và chỉ có những cái mới mới mang lại những động lực mới cho kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến xu thế hiện nay là sản xuất bán dẫn. Một ngành khoa học vừa là nghiên cứu, phát triển, sản xuất rất toàn diện, là cơ hội rất lớn cho chúng ta hướng tới các điều kiện mà mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Việt Nam.
Tựu chung lại, vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là một xu thế tất yếu, và là điều kiện tiên quyết để chúng ta tác động đến những mô hình sản xuất, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.
Đó là một số khó khăn, thách thức Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng Việt Nam vẫn phải đối mặt, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trong lúc thuận lợi vẫn có khó khăn, và kể cả trong lúc rất khó khăn chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội , Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Giải ngân đầu tư công: chủ động từ đầu năm
Doanh nghiệp sàn HoSE tăng trưởng lợi nhuận 15 năm liên tiếp, cổ tức tiền mặt 30-50% mỗi năm