Nhấn mạnh tính thống nhất của dữ liệu, chuyên gia Nguyễn Nhật Quang khuyến nghị các địa phương cần ‘cấy gene’ thông minh bằng cách có quy hoạch, quy chuẩn và quy chế để hình thành hạ tầng dữ liệu số dùng chung.
Khuyến nghị trên vừa được ông Nguyễn Nhật Quang, thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA đưa ra tại hội thảo trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số Quảng Ngãi 2023 có chủ đề ‘Dữ liệu số và liên kết vùng trong chuyển đổi số’, diễn ra từ ngày 28/9 - 2/10 tại thành phố Quảng Ngãi.
Phát triển dữ liệu song hành với chuyển đổi số
Thông tin về chiến lược dữ liệu số quốc gia, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho hay, mục tiêu phát triển dữ liệu song hành với chuyển đổi số đã được thể hiện rõ trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020.
Cụ thể, mục tiêu về dữ liệu số đến năm 2025 là 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật - IoT, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Dữ liệu có 2 mảng chính là dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo ra và dữ liệu do người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tạo ra trong quá trình tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số. “Thời gian tới, chúng ta cần chung sức để tạo ra dữ liệu”, ông Nguyễn Phú Tiến chia sẻ.
Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng điểm ra 8 chỉ tiêu quan trọng về dữ liệu số được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đề ra trong Năm Dữ liệu số quốc gia 2023, trong đó, có chỉ tiêu về tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.
Nhấn mạnh việc các bộ, tỉnh ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, địa phương mình là vô cùng quan trọng để đảm bảo việc phát triển dữ liệu có quy hoạch, không “manh mún, phân tán, tùy tiện”, ông Nguyễn Phú Tiến cho biết hiện tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu này là 57%, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đốc thúc để đến cuối năm nay tất cả các bộ, ngành, địa phương đều ban hành danh mục.
Với chỉ tiêu về tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch dữ liệu mở, ông Nguyễn Phú Tiến nêu rõ: Định hướng là các cơ quan nhà nước ngoài việc chia sẻ dữ liệu với nhau, cần chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để họ tạo ra nhiều dịch vụ số, giá trị gia tăng và từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 với chỉ tiêu này cũng là 100% bộ, ngành, địa phương ban hành, nhưng hiện tại mới chỉ đạt 34%.
Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho rằng, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh việc triển khai để hoàn thành 8 chỉ tiêu chính về dữ liệu số đã được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vạch rõ trong kế hoạch hành động năm nay của Ủy ban.
Đề xuất cách xây dựng hạ tầng dữ liệu của địa phương
Trong trao đổi tại phiên toàn thể ngày 29/9 của Tuần lễ Chuyển đổi số Quảng Ngãi 2023, đề cập đến những việc địa phương cần tập trung để phát triển dữ liệu, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy hoạch để không trùng lặp và có kết nối, chia sẻ. Bên cạnh việc xây dựng để có dữ liệu, các địa phương cần quan tâm đến việc quản trị, đảm bảo an toàn, kết nối chia sẻ và đặc biệt là phải có tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ quản lý điều hành.
Nhận định chuyển đổi số là một phương thức mới, hiệu quả để phát triển kinh tế địa phương, chuyên gia Nguyễn Nhật Quang phân tích: Trong quan điểm 'Chuyển đổi số là chuyển đổi phương thức hoạt động với dữ liệu và kết nối' thì dữ liệu được hiểu là toàn bộ năng lực thu thập, xử lý, phân phối và lưu trữ an toàn. Với dữ liệu, tính thống nhất và dùng chung là quan trọng nhất. Một địa phương mà dữ liệu của đơn vị nào do đơn vị đó giữ riêng thì không thể trở thành 'địa phương thông minh'.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành hạ tầng dữ liệu số để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, ông Nguyễn Nhật Quang lưu ý Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác rằng: Hạ tầng dữ liệu số không thể xây dựng một lần là xong mà đòi hỏi một quá trình lâu dài. Cũng như việc xây dựng các hệ thống lớn khác, để đảm bảo quá trình hình thành hạ tầng dữ liệu số thành công, cần ‘cấy gene’ thông minh bằng nguyên tắc ‘3Q’ gồm quy hoạch, quy chuẩn và quy chế.
Trong đó, về quy hoạch, cần xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu dùng chung, quy hoạch hệ thống các cơ sở dữ liệu liên ngành và chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần có quy chuẩn, với việc mô hình dữ liệu, từ điển dữ liệu, các chuẩn trao đổi dữ liệu giữa các chủ thể tham gia. Song song đó, cần có quy chế, bao gồm các quy định đảm bảo tuân thủ quy hoạch và quy chuẩn.
“Việc hình thành hạ tầng dữ liệu số địa phương cần bắt đầu bằng việc kiểm điểm dữ liệu hiện có, chuẩn bị và đồng bộ hóa dữ liệu theo quy hoạch, quy chế và quy chuẩn đã ban hành”, ông Nguyễn Nhật Quang đề xuất.
Ngành bưu chính cần mở rộng hệ sinh thái để trở thành hạ tầng của kinh tế số
Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu bản sao chứng thực khi làm thủ tục hành chính