Trải qua 6 tháng đầu năm kinh tế cả nước chỉ đạt 3,72% không đạt mức tăng đề ra. Đâu sẽ là nguồn sáng mới an toàn và ổn định cho các nhà đầu tư trong giai đoạn 6 tháng còn lại năm 2023?
Tổng cục Thống kê vừa công bố các chỉ số kinh tế 6 tháng năm 2023; trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 3,72%, không đạt kế hoạch đề ra.
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2%.
Tuy vậy, kết quả cho thấy, kinh tế cả nước 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp.
Trước thực tế này, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là thách thức lớn trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo.
Bên cạnh đó, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 30%, từ nay đến cuối năm, số vốn cần giải ngân còn khoảng 711.000 tỷ đồng để đạt kế hoạch được Chính phủ giao.
Triển vọng phát triển của các nền kinh tế khác trên thế giới cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn theo các dự báo của các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới, tuy nhiên áp lực suy thoái là vẫn còn khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lại lạm phát dai dẳng và còn kéo dài.
Chia sẻ về chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia Quách Mạnh Hào. Ông từng là thành viên HĐQT và điều hành cấp cao tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ huy động vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và cả công ty niêm yết. Ông đã chứng kiến nhiều giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng.
Thưa ông, theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu thể hiện rõ sự khó khăn của nền kinh tế như tăng trưởng GDP quý 1 đạt 3,32%, quý 2 đạt 4,14% cách xa mục tiêu. Vậy do đâu sự tăng trưởng kinh tế thấp như vậy, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% liệu có thể đạt được? Liệu điều tệ nhất đã qua hay chưa, thưa ông?
Trong một giai đoạn mà các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, Việt nam chúng ta không ngoại lệ. Thực tế, Việt Nam đã làm tốt và lạm phát không còn là mối lo ngại nữa.
Việc thắt chặt tiền tệ tất yếu dẫn tới hệ quả là kinh tế khó khăn, vì cùng lúc NHNN không thể thực hiện hai mục tiêu.
Với những con số thống kê đến giữa năm 2023, tôi nghĩ rằng mục tiêu cả năm 6,5% tăng trưởng GDP sẽ khó đạt được, hoặc sẽ phải đánh đổi rất lớn nếu sử dụng công cụ tiền tệ theo chiều hướng nới lỏng quá mức chỉ để đạt mục tiêu đó.
Mặc dù NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần và thực hiện một điều ít thấy là nới hạn mức tín dụng cả năm ngay từ giữa năm, rất khó để tin rằng tín dụng sẽ ngay lập tức bùng nổ và từ đó chúng ta có kinh tế phát triển tới 8-9% trong nửa sau của năm.
Điều này đơn giản là vì chúng ta cần thời gian để những rủi ro hiện tại thẩm thấu dần, chủ yếu là với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu.
Nghĩa là cần thời gian để mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần khi các khoản huy động tiền gửi lãi suất cao trước đây đến hạn, cần thời gian để các NHTM trích lập dự phòng dần các khoản nợ có vấn đề, tạo tiền đề cho việc giảm giá bán bất động sản mà không gây rủi ro hệ thống ngân hàng và cần thời gian để các biện pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án bất động sản được hình thành và đi vào thực thi.
Tuy vậy, tôi đánh giá rằng giai đoạn khó khăn nhất đang đi qua và chính phủ thời gian qua đã thực hiện hàng loạt các biện pháp dọn đường chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Chúng ta đã có điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là các hoạt động kinh tế trở lại, tín dụng chạy … chúng ta cần thời gian.
Động lực nào quyết định tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, thưa ông?
Chúng ta có một nền kinh tế phục thuộc nhiều vào khu vực bất động sản và đầu tư công, phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ … nên động lực phát triển kinh tế sẽ liên quan tới những khu vực này.
Tôi nghĩ rằng từ nay đến cuối năm, bất động sẽ tiếp tục gặp khó do các dự án trước đây cần phải được triển khai thay vì phát triển các dự án mới.
Bởi vậy, động lực chính sẽ nằm ở lĩnh vực liên quan tới xây dựng và đầu tư công. Chính sách tiền tệ đương nhiên đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Hiện nay, việc đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư công được xem là “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp, theo ông, đâu là nguyên nhân? Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án?
Chúng ta hay quen nói đầu tư công theo nghĩa chính phủ tiêu tiền, nhưng cần hiểu đúng rằng đó là các hoạt động đầu tư vào các dự án, công trình phục vụ nhu cầu công cộng như đường xá, cầu cống, sân bay … và có rất nhiều các doanh nghiệp và ngành nghề liên quan tới quá trình này.
Nhưng, các doanh nghiệp họ cũng phải cân nhắc trên nguyên tắc lợi ích khi tham gia trở thành các nhà thầu trong các dự án đầu tư công.
Một trong những trở ngại chính là quá trình phê duyệt và khung giá quy định liên quan tới quá trình thực hiện dự án dẫn tới các doanh nghiệp sẽ cảm thấy không có nhiều lợi ích khi thực hiện vào thời điểm này khi mà giá cả các yếu tố đầu vào sản xuất đều đã đắt lên rất nhiều, kể cả lãi suất chúng ta kỳ vọng giảm thì nó cũng chưa thể giảm nhanh do chi phí vốn của ngân hàng vẫn còn quá cao.
Nói như vậy để thấy rằng mặc dù đầu tư công đúng là một động lực, nhưng nó không phải là phép màu biến không thành có. Chúng ta cần thời gian!
Theo ông, đâu là kênh đầu tư thích hợp nhất cho 6 tháng cuối năm?
Tôi thường chỉ nhìn vào thị trường tài sản nên tôi sẽ bình luận theo hướng này. Tôi nghĩ rằng nếu nền kinh tế yếu và nếu nhìn vào triển vọng kết quả kinh doanh, không ai dám đầu tư vào doanh nghiệp.
Nhưng chứng khoán thì lại khác, nó là kỳ vọng dựa trên chính sách. Với cách nhìn như vậy thì thời điểm hiện tại là là rất tốt để mua cổ phiếu. Thực ra trên kênh Youtube riêng QMV của tôi đã nói nhiều về sự lựa chọn này trong nửa năm qua.
Mặc dù, lĩnh vực bất động sản đang có những giải pháp, chính sách làm cho nó không tệ hơn, tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng nó đã hết xấu. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng bất động sản cần thêm thời gian.
Và một kênh thông thường là tiền gửi ngân hàng, tôi cho rằng nó không còn hấp dẫn nữa khi lãi suất đã và đang giảm.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!