Chuyên gia: Dư địa để hạ lãi suất trong nước không còn nhiều
Bình luận về vấn đề lãi suất PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khá lâu, ở một nền lãi suất thấp, lạm phát cũng sẵn sàng ở mức 3,7- 4%. Vậy nên, chúng ta không có nhiều dư địa để hạ lãi suất nữa, nên năm 2025 cần tập trung vào chính sách tài khóa.
Fed không giảm lãi suất quá nhiều trong năm 2025
Dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất USD của Fed, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng trái ngược với lộ trình giảm lãi suất nửa cuối năm 2024, Fed đã đưa ra thông điệp là không giảm lãi suất quá nhiều trong năm 2025. Điều đó càng củng cố hơn sức mạnh của USD trong giai đoạn hiện tại, tạo ra sự khác biệt lớn trước và sau khi ông Trump đắc cử.
![]() |
Fed không giảm lãi suất quá nhiều trong năm 2025. |
Theo ông Huân, nhìn chung, xu hướng thế giới hiện nay là xung đột địa chính trị toàn cầu như chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột Trung Đông chi phối tương đối yếu tố địa chính trị, tác động lên kinh tế.
“Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga đã manh nha từ giai đoạn 2017-2018, khi ông Trump bắt đầu thực hiện cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khi ông Trump tái đắc cử, thị trường kỳ vọng cuộc chiến thương mại này sẽ tác động rất lớn đến phần còn lại của thế giới”, ông Huân nói.
Cũng theo vị chuyên gia, điều này sẽ tác động tới một phần của xuất khẩu Việt Nam khi Việt Nam đang là quốc gia đứng trong top 4 các quốc gia có thặng dư lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Mexico và Canada.
“Trung Quốc và Mỹ đều là những đối tác rất lớn và quan trọng với Việt Nam. Việt Nam không chọn Trung Quốc hay Mỹ, mà cố gắng cân bằng quyền lực của hai nước này”, ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng, thời gian tới, chúng ta cố gắng tận dụng những lợi thế trong mối quan hệ với Trung Quốc như hiện nay, có được nguồn vốn xây dựng phát triển hạ tầng trong thời gian tới, đặc biệt là đường sắt cao tốc.
“Trung Quốc là nguồn nguyên vật liệu rất lớn cho Việt Nam để phục vụ xuất khẩu. Trong giai đoạn chúng ta chưa tự chủ về nguyên vật liệu, kỹ thuật, cũng như máy móc, thì Trung Quốc là thị trường rất tốt để chúng ta có thể tận dụng để xuất khẩu”, ông Huân nói.
>>Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/2/2025: Nhà băng thứ ba tăng lãi suất sau Tết
Lãi suất trong nước khó giảm thêm
Ông Huân khẳng định với Mỹ, đây là thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam.
![]() |
Lãi suất trong nước khó giảm thêm. |
Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng việc giữ quan hệ tốt và tiếp tục tạo ra những kết nối, đối thoại với Mỹ để không rơi vào tình trạng như Mexico hay Trung Quốc là một vấn đề sống còn, vì xuất khẩu đang là động lực chính của Việt Nam. Chúng ta cố gắng cân bằng cán cân này trong giai đoạn tới.
“Năm 2024 là một năm khá khởi sắc với tăng trưởng GDP hơn 7% - vượt xa mọi dự báo của các chuyên gia trên thế giới lẫn trong nước. Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đề ra là rất thách thức và phấn đấu đạt 2 con số để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Huân nói.
Trước quan điểm cho rằng nên tiếp lãi suất có giảm thêm trong thời gian tới để hỗ trợ kinh tế, ông Huân khẳng định với tác động từ thế giới, lãi suất trong nước khó giảm.
“Do chính sách thận trọng của Fed, nên việc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tương đối khó trong thời gian tới.
Thực tế, Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khá lâu, ở một nền lãi suất thấp, lạm phát cũng sẵn sàng ở mức 3,7- 4%. Vậy nên, chúng ta không có nhiều dư địa để hạ lãi suất nữa, nên năm 2025 cần tập trung vào chính sách tài khóa”, ông Huân thừa nhận.
Lãi suất ngân hàng hôm nay 14/2/2025: Gửi tiền kỳ hạn 12 tháng ở đâu lãi nhất?
ACB 'tung' gói vay mua nhà đặc biệt dành cho người trẻ với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm