Lạm phát Mỹ bất ngờ tăng nóng khiến Fed khó hạ lãi suất
Lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1 khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm lý do để giữ nguyên lãi suất.
Tối ngày 12/2 (theo giờ Việt Nam), Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các con số này cao hơn so với dự báo của Dow Jones với mức tăng lần lượt là 0,3% và 2,9%.
CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,3% so với năm trước và tăng 0,4% so với tháng 12/2024 - cũng cao hơn dự báo, vốn được cho là tăng 0,3% và 3,1%.
![](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/image.png)
Phần lớn mức tăng CPI trong tháng 1 đến từ chi phí nhà ở (khoảng 30%) và tăng 0,4% so với tháng trước.
Giá thực phẩm tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá trứng tăng vọt 15,2%. Nguyên nhân là dịch cúm gia cầm khiến nông dân phải tiêu hủy hàng triệu con gà. Đây là mức tăng giá trứng mạnh nhất kể từ tháng 6/2015, chiếm khoảng hai phần ba mức tăng của thực phẩm tiêu dùng tại nhà. Trong vòng một năm qua, giá trứng đã tăng tổng cộng 53%.
Giá đồ uống không cồn tăng 2,2%, giá cà chua giảm 2% còn các loại rau tươi khác giảm 2,6%.
Giá xe mới đi ngang trong tháng 1, nhưng xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 2,2%. Bảo hiểm xe cơ giới tăng 2%. Giá năng lượng thêm 1,1%, còn giá xăng tăng 1,8%.
Thị trường đi xuống sau báo cáo này, với hợp đồng tương lai của chỉ số Dow Jones giảm hơn 400 điểm trong khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
Báo cáo lạm phát được công bố sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định sẽ giữ nguyên lãi suất trong một thời gian.
Kinh tế trưởng của CME Group Erik Norland nhận thấy sau báo cáo CPI, các nhà giao dịch đang đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với dự kiến trước đây.
Dân Mỹ bi quan về lạm phát, lo thuế nhập khẩu 20% thì mình phải gánh 10%
Đòn giáng thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể 'bít cửa' hạ nhiệt lạm phát