Chuyên gia giao thông: Thu nhập của ngành giao thông là 'rào cản' khiến Gen Z không muốn vào

06-05-2024 14:57|Sa Huỳnh

Tình trạng những năm gần đây, nhu cầu đăng ký vào học ngành kỹ thuật xây dựng giao thông giảm rõ rệt.

Với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn trong tương lai, ngoài hệ thống đường bộ cao tốc sẽ tiếp tục được xây dựng, còn hệ thống đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đăng ký vào ngành giao thông ngày càng ít, sinh viên ra trường lại chọn sang ngành nghề khác. Thậm chí, nhiều trường còn phải vận động sinh viên trúng tuyển các ngành khác sang theo học ngành cầu đường để cho đủ chỉ tiêu.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT năm 2023, tỷ lệ tuyển sinh nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%... Những khối ngành như giao thông, xây dựng "ngậm ngùi" xếp thứ 10 với 3,69%.

Đầu kỳ tuyển sinh năm 2023, lãnh đạo của một trường giao thông cho biết, trong thời gian vừa qua, các lĩnh vực liên quan đến cơ khí, xây dựng công trình, điện tử và quản lý trong lĩnh vực đường sắt đều gặp khó khăn. Ở lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình đường bộ, trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho giao thông vận tải gần như giảm đáng kể, do đó nhu cầu nhân lực giảm, dẫn đến nhu cầu đăng ký vào học cũng giảm theo.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ sở hạ tầng đang được Chính phủ đặt mục tiêu số 1 phát triển kinh tế, giới quan sát cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không mặn mà với khối ngành giao thông cầu đường.

Chúng tôi đã kết nối với Ths. Hoàng Minh Sơn, Chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông vận tải để làm rõ hơn về vấn đề này.

Hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông đang rất phát triển, do đó, trong tương lai có thể gọi đây lại là một trong những ngành "hot". Tuy nhiên, tình trạng sinh viên chán học ngành giao thông lại đang tiếp diễn. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này từ đâu?

Nguyên nhân thứ nhất là việc định hướng cho học sinh trước khi chọn trường đại học chưa tốt. Bây giờ muốn thu hút học sinh thi vào các ngành xây dựng nói chung và giao thông nói riêng thì công tác định hướng nghề nghiệp phải giúp học sinh thấy được vai trò của ngành giao thông cũng như lợi ích của việc học giao thông.

Việc định hướng là công việc của trường đại học, giúp cho học sinh thấy được họ phù hợp với năng khiếu, năng lực và đam mê nghề nghiệp sau này, tránh trường hợp học xong ra trường muốn làm ngành nghề khác. Hệ quả như vậy một là không phát triển được đam mê, năng lực của họ, hai là gây ra sự lãng phí trong đào tạo của cả đôi bên.

Chuyên gia giao thông: Cần có giải pháp cấp bách để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành giao thông trong tương lai
Thu nhập của ngành giao thông đang là "rào cản" khiến học sinh không muốn đăng ký.

Nguyên nhân thứ 2 là chương trình đào tạo về kỹ thuật nói chung, xây dựng nói chung và giao thông nói riêng khá khó và áp lực khiến sinh viên dễ chán học, lười học dẫn đến học kém chất lượng. Đầu ra kém chất lượng ảnh hưởng đến khả năng xin việc cũng như ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của ngành giao thông.

Ví dụ, các trường cơ chế tự chủ tài chính có thể cân bằng chính sách về học phí để thu hút, thậm chí tạo điều kiện để sinh viên học tập, tạo điều kiện để sinh viên có thể vừa học vừa làm. Cần liên tục đổi mới chương trình đào tạo để tối ưu hoá giúp sinh viên dễ học, dễ tiếp thu mà vẫn nắm được kiến thức, ra trường vẫn làm được việc.

Nguyên nhân thứ 3 của vấn đề nổi cộm trên, tỷ lệ sinh viên giao thông cầu đường ra trường chuyển ngành, bỏ ngành rất cao vì không xin được việc, phải làm trái ngành. Hoặc xin được việc nhưng lương lại thấp không đủ chi trả cuộc sống. Bởi vậy, mới có hiện tượng bằng cử nhân, thậm chí là thạc sĩ ngành giao thông cầu đường ra trường chuyển ngành khác, thậm chí chạy Grab.

Tại sao họ chọn chạy Grab? Bởi vì công việc này tự do về thời gian, linh động thu nhập và quan trọng thu nhập có ngay tức thì. Lý do đơn giản thôi, họ không được định hướng đúng nghề nghiệp trước khi chọn trường đại học, dẫn đến khi đi làm mới nhận thấy năng lực, năng khiếu, đam mê của họ không đúng với việc họ học và cảm thấy như bị chọn “nhầm trường”, nhầm ngành không muốn theo đuổi nữa.

Ông có thể nói rõ hơn về mức lương của sinh viên ngành giao thông sau khi ra trường so với các ngành khác chênh lệch như thế nào không?

Nếu nhìn vào mức lương hiện tại của các doanh nghiệp tư nhân chi trả cho nhân viên thì có cao hơn mức lương của nhà nước. Tuy nhiên, so sánh với sự vất vả trong công việc của một kỹ sư cầu đường so với các ngành nghề khác thì thu nhập chưa được cân bằng, chưa tương xứng với sự vất vả mà người ta bỏ ra.

Ví dụ, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT xong đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài rất nhiều với mức lương không quá cao. Chi phí ban đầu cho các công ty xuất khẩu lao động khoảng hai, ba trăm triệu, thậm chí hơn bốn trăm triệu nhưng lương được trả cũng chỉ dao động trong vòng 20-30 triệu và phải đi xa quê hương nhưng tại sao những người trẻ chấp nhận được mà các kỹ sư lại không?

Ngành nghề giao thông xây dựng có một đặc thù là đi xa nhà và ở làm việc ngoài trời. Do đó rủi ro tai nạn lao động, rủi ro sức khoẻ cũng cao hơn. Vì vậy, nơi nào có mức lương bằng hoặc cao hơn mà nhàn hạ hơn thì giới trẻ lựa chọn là lẽ đương nhiên. Đó là lý do mà một số vùng học sinh tốt nghiệp cấp 3 không muốn đăng ký vào đại học nói chung và ngành giao thông nói riêng.

Vậy nếu tăng mức lương trung bình của ngành giao thông cầu đường thì vấn đề "chán" ngành giao thông sẽ được giải quyết đúng không, thưa ông?

Chuyên gia giao thông: Cần có giải pháp cấp bách để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành giao thông trong tương lai
Đặc thù công việc của kỹ sư công trình vất vả và nắng gió. Ảnh minh họa

Lương trả cho kỹ sư của các doanh nghiệp phụ thuộc vào doanh thu và mức bình quân xã hội, mà doanh thu thì phụ thuộc vào dự toán của gói thầu dự án. Định mức gói thầu được quản lý bởi cơ quan Nhà nước, giá gói thầu mà thấp thì doanh nghiệp phải trả lương thấp mới có lợi nhuận.

Để cân chỉnh mức lương theo tôi nghĩ, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông phải phối hợp để luôn cập nhật cho phù hợp định mức dự toán.

Hiện tại, định mức đơn giá dự toán thay đổi theo thời gian nhưng vẫn chưa phù hợp thực tế thị trường, trong khi mỗi năm đồng tiền trượt giá thì mức lương cũng phải thay đổi theo thời gian. Nguyên tắc định mức dự toán cũng phải thay đổi theo thời gian để phù hợp với mức lương của người lao động.

Việc thứ hai để có mức lương phù hợp, có lợi cho người lao động thì công tác đấu thầu, triển khai dự án phải thực hiện tốt hơn nữa thì mới giúp cho doanh nghiệp tối ưu hoá lợi nhuận, từ đó mức lương của kỹ sư mới được cải thiện.

Thứ ba, công tác về quản lý dự án điều hành phải thật tốt thì các doanh nghiệp mới có thể thanh toán kịp thời, không chậm lương cho công nhân, nhân viên. Những người đi làm lao động sống bằng lương còn nuôi vợ con bằng lương nữa. Nếu tình trạng nợ lương, chậm lương thường xuyên liên tục thì việc họ bỏ nghề, không muốn vào ngành là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, với ngành thiên về đặc thù kỹ thuật như giao thông, xây dựng khó đòi hỏi mức lương tương xứng ngay sau khi ra trường vì chưa chắc sinh viên đã làm được việc ngay. Với giải pháp mà ông đưa ra là tạo điều kiện để sinh viên vừa học vừa làm có đảm bảo được chất lượng học tập? Liệu sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có thể đảm nhiệm được công việc thực tiễn ngoài công trường hay không?

Việc làm thêm là để giúp sinh viên có thu nhập thêm và có kỹ năng sống, có kinh nghiệm. Việc làm thêm có thể đúng nghề hoặc khác nghề. Nếu được tạo điều kiện đi làm thêm đúng nghề, vấn đề về thực hành giúp sinh viên được đào tạo một cách trực quan và thực tế.

Muốn sinh viên ra trường có thể đi làm ngay thì trong trường đại học sinh viên cũng phải được tiếp cận thực tế, làm những công việc thực tế. Cân bằng giữa lý thuyết và thực tế để sinh viên ra trường làm được việc ngay. Một môi trường đại học lý thuyết và một môi trường thực tế ở doanh nghiệp là hai môi trường hoàn toàn khác nhau nhưng nhà trường cũng cần phải thay đổi, cần phải sáng tạo, tối ưu thời lượng thực hành hơn để sinh viên học được thực tế nhiều hơn.

Thang đánh giá tốt nhất của một trường đại học là đánh giá từ doanh nghiệp. Sinh viên ra trường có làm được việc hay không, có phải đào tạo quá nhiều sau khi sinh viên ra trường hay hay không. Được đánh giá tốt thì đương nhiên sẽ gây được sự chú ý và vấn đề thu hút đầu vào cũng giải quyết được dễ dàng hơn.

Cảm ơn ông về cuộc nói chuyện ngày hôm nay!

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-giao-thong-thu-nhap-cua-nganh-giao-thong-la-rao-can-khien-nguoi-tre-khong-muon-vao-233579.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia giao thông: Thu nhập của ngành giao thông là 'rào cản' khiến Gen Z không muốn vào
    POWERED BY ONECMS & INTECH