Trước các biến động bất thường của thị trường, những bộc lộ yếu kém trong quản lý Nhà nước, chắc chắn đây sẽ là nội dung mà Quốc hội quan tâm, yêu cầu Chính phủ, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm giải trình.
Phát biểu kết luận Hội nghị về thị trường vốn hôm 22/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Trên cơ sở đánh giá tất cả các yếu tố và mục tiêu hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững, cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, bảo vệ, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Chính phủ đặt ra quyết tâm cao thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước.
Có những doanh nghiệp thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng nhiều lần, không theo quy luật nào... Rồi nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi liệu có hay không việc thao túng, làm giá của chính các công ty chứng khoán, hình thức xử phạt chưa phù hợp... Vì những việc đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư", Thủ tướng phát biểu.
"Tôi nghe rất nhiều phàn nàn về hiện tượng nghẽn lệnh, ứng dụng công nghệ, quản lý thị trường chưa tốt, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường, chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập... Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác.
Theo đó, Chính phủ đặt quyết tâm cao thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường vốn, ai vi phạm phải bị xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, điều quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường chứng từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Mới đây, trả lời báo giới về việc "Quy mô thị trường ngày càng lớn, Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng hạng thị trường. Với quy mô thị trường hiện tại, liệu việc đặt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc quản lý Bộ Tài chính có phù hợp?", GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến: "Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua có quy mô tăng trưởng khá nhanh nhưng vẫn chưa như kỳ vọng bởi tiềm năng để tăng trưởng còn lớn. Do vậy, cùng với xu thế phát triển của nền kinh tế, thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung sẽ còn phát triển mạnh.
Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý cần thiết phải được nâng cấp, nâng tầm. Bởi vậy, việc chúng ta tính đến việc cơ quan quản lý chứng khoán tách ra thành cơ quan độc lập với Bộ Tài chính cũng là hướng cần nghĩ tới.
Tất nhiên, cần nhìn nhận, vừa qua, việc quản lý chưa tốt hoạt động của thị trường không phải do quy mô thị trường quá lớn dẫn đến Bộ Tài chính không đủ sức quản lý bởi thực tế, bộ này là cơ quan đại diện quản lý Nhà nước, thay mặt cho Chính phủ quản lý Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Cũng không phải do nằm trong Bộ Tài chính mà hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yếu đi hoặc không có đủ năng lực. Vấn đề cốt lõi sau những vụ việc vừa qua là phải nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước".
Đề cập để vai trò giám sát của Quốc hội trong các hoạt động của thị trường chứng khoán cũng như việc làm sao để nâng cao năng lực, trách nhiệm hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: "Quốc hội có chức năng giám sát về các hoạt động quản lý của Chính phủ đối với nền kinh tế chứ không giám sát trực tiếp đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên trước các biến động bất thường của thị trường, những bộc lộ yếu kém trong quản lý Nhà nước, chắc chắn đây sẽ là nội dung mà Quốc hội quan tâm, yêu cầu Chính phủ, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm giải trình.
Trên cơ sở xem xét các nguyên nhân của sai phạm, tồn tại đó, Quốc hội sẽ đề xuất các hướng giải quyết, kể cả điều chỉnh luật pháp.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, có thể thấy các tồn tại này chưa phải do lỗ hổng của luật pháp mà chủ yếu do tổ chức thực hiện, thực thi.
Tương lai của thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rộng mở. Thời gian tới, Nhà nước cần làm chặt chẽ, quyết liệt hơn để đảm bảo tính minh bạch, công khai về các hệ thống thông tin trên thị trường và sử dụng các công cụ kiểm soát từ sớm, từ xa để ngăn chặn hành vi thao túng thị trường. Đây là cơ sở để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ không bị "tổ lái, cá mập" dẫn dắt.
Bên cạnh đó, cần tạo ra thể chế bằng cách khuyến khích hình thành, phát triển các quỹ đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hướng lựa chọn vào các nhà đầu tư trung gian để ổn định, ít rủi ro,...