Vĩ mô

Chuyên gia: 'Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức'

Khúc Văn 24/07/2024 - 16:05

Trong bối cảnh hiện tại, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo quyết nghị của Quốc hội là 6,5%, chứ chưa nói đến 7%, đang rất thách thức.

Tăng trưởng chưa đồng đều giữa các ngành và địa phương

Dựa trên kết quả tăng trưởng của quý II, 6 tháng, với tương ứng ước đạt 6,93% và 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết số -1/NQ-CP, và dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.

Cụ thể, với kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%).

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đại 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm.

Đưa ra 2 kịch bản song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.

Chuyên gia: 'Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức'
Tăng trưởng chưa đồng đều giữa các ngành và địa phương.

Trước những khó khăn của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, việc lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế cao đã đặt ra lo ngại về việc khả năng thực hiện.

Bình luận về điều này, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong điều hành, vì đồng nghĩa sẽ có những giải pháp, liều lượng, mức độ đủ mạnh, cùng với các giải pháp bổ sung cho 6 tháng cuối năm.

“Tôi cho rằng, đây là kịch bản tăng trưởng có điều kiện, chứ không phải đơn giản là tự nhiên theo chu kỳ quý III, quý IV thường tăng trưởng cao hơn các quý đầu năm. Tất nhiên, cơ sở của kịch bản cao là có. Đó là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam cải thiện đáng kể...”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, nhìn vào số liệu sẽ thấy có những thách thức. Tăng trưởng của từng ngành, từng địa phương chưa đồng đều. Có ngành phục hồi tích cực, như sản xuất điện tử...; có ngành mới có dấu hiệu phục hồi và có ngành chỉ dừng lại ở thế giảm bớt khó khăn, như sản xuất phương tiện vận tải... Tương tự, có địa phương duy trì tăng trưởng cao, nhưng nhiều địa phương, thậm chí những địa phương từng là động lực tăng trưởng, lại chậm lại rõ rệt.

“Kết quả điều tra về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng cho thấy, khó khăn giảm đi không nhiều so với năm ngoái. Đặc biệt, khi đơn hàng vừa trở lại thì khó khăn về tuyển dụng lao động, về nguồn cung nguyên vật liệu lại nổi lên. Chưa kể, áp lực chi phí gia tăng đáng kể khi giá cả, lãi suất, tỷ giá đang chịu nhiều sức ép ở các tháng cuối năm, sự đình trệ trong hoạt động của nhiều dự án. Những tồn tại về trái phiếu doanh nghiệp, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)... vẫn còn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Về tình hình doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng dù số liệu đã đảo chiều, với số doanh nghiệp gia nhập và trở lại thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui trong 6 tháng đầu năm, nhưng sức còn yếu và chưa thể trở lại vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong năm nay...

>>Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% mỗi năm, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030

Đẩy mạnh đầu tư tư nhân

Nhấn mạnh quan điểm, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo quyết nghị của Quốc hội là 6,5%, chứ chưa nói đến 7%, đang rất thách thức, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ đã biết. Các báo cáo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều chỉ rõ thách thức và theo đó, nhiều giải pháp đang được đưa ra, có giải pháp trước mắt, có giải pháp lâu dài.

Chuyên gia: 'Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức'
Đẩy mạnh đầu tư tư nhân.

Theo ông Hiếu, thời điểm hiện tại nên tập trung ưu tiên cho những giải pháp ngắn hạn.

Trước hết là về đầu tư công, theo ông Hiếu nếu lúc này tận dụng hiệu quả và thực hiện đúng, đầy đủ hơn kế hoạch đầu tư công trong năm nay, sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng.

“Chậm có nghĩa là không hiệu quả, nhất là ở góc độ đóng góp vào tăng trưởng ngay trong năm nay, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm tới. Hay như chương trình phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội - đây vừa là cơ hội và động lực tăng trưởng, vừa có mục tiêu xã hội rất lớn, nhưng kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế, khó khăn, bất cập, chưa như mong muốn và kỳ vọng”, ông Hiếu nói.

Nguồn lực tiếp theo cần khơi thông, theo ông Hiếu đó là nguồn lực của các dự án đầu tư dở dang của khu vực tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, gỡ được khó khăn, vướng mắc càng sớm, thì đóng góp vào phục hồi và tăng trưởng càng nhanh, tỷ lệ rất đáng kể.

“Thực tế, nguồn lực và cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân bị ách tắc ở đây rất lớn. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân dù có cải thiện rất đáng kể (6,7% so với mức 1,8% của cùng kỳ năm 2023), nhưng vẫn thấp, chỉ bằng một nửa so với các năm trước dịch bệnh”, ông Hiếu nói.

Song song với phát triển dự án mới, ông Hiếu cho rằng cần xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các dự án tồn đọng. Quốc hội đang thực hiện giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội để tìm thêm giải pháp gỡ khó.

“Ngoài ra, dù đã có nhiều biện pháp, nhưng cũng có các dự án chậm đi vào hoạt động do vướng thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, phải có cách nào để sớm xử lý dứt điểm, khơi thông nguồn lực này”, ông Hiếu nói.

Thực tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, như kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế VAT; tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân; giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí...

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế, đảm bảo hiệu quả thực thi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí tuân thủ quá lớn và có thể giảm được; nếu rà soát và kiểm soát tốt chi phí này, bãi bỏ những chi phí không hợp lý, thì doanh nghiệp có thêm nguồn lực, cơ hội để trở lại, phục hồi, như khoản tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu giấy, thép... (trong nền kinh tế tuần hoàn, đây không nên coi là phế liệu nữa).

“Cuối cùng, phải nhắc tới giải pháp hiệu quả trong thúc đẩy thực thi công vụ. Tôi cho đây là một vấn đề quan trọng”, ông Hiếu nói.

Bất động sản 6 tháng đầu năm sôi động với lượng 'chốt đơn' gia tăng: Báo hiệu ngày thị trường sắp 'khỏe' trở lại

Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và 4 dự án luật, đề nghị xây dựng luật

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-muc-tieu-tang-truong-65-la-rat-thach-thuc-242919.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chuyên gia: 'Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức'
POWERED BY ONECMS & INTECH