Chuyên gia năng lượng: Không có lý do gì giá điện Việt Nam lại rẻ hơn thế giới

16-05-2024 07:25|Thuận Phong

"Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường”, chuyên gia nhấn mạnh. “Tránh những việc như vừa rồi, EVN phải báo lỗ, mà lỗ ở đây không phải lỗi của EVN khi chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao, nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm".

Trong buổi tọa đàm về tiết kiệm điện do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 15/5, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh đã chia sẻ nhận định về giá điện và câu chuyện sử dụng tiết kiệm điện.

"Không lý do gì giá điện Việt Nam lại rẻ hơn thế giới"

Về giá năng lượng, ông Sơn cho rằng giá điện của Việt Nam được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác của Chính phủ.

“Trên báo đài cũng có các ý kiến là thu nhập của chúng ta thế này, tại sao chúng ta phải trả giá thế kia, đắt quá. Nhưng thực ra chúng ta quên một điểm là giá năng lượng thế giới hiện nay về bản chất không khác gì nhau. Chúng ta đều mua những nhiên liệu đấy, đều sản xuất với mức giá nếu đấu thầu thì ở Việt Nam và thế giới không khác gì nhau. Vừa rồi điện mặt trời, điện gió chi phí cũng như thế, giá cũng như vậy, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy giá nhiên liệu”, ông Sơn nói.

Vị chuyên gia đưa ra minh họa về nhà máy Ô Môn, nhập khẩu dầu, khí bằng giá quốc tế, việc mua sắm trang thiết bị cũng là giá quốc tế nên chẳng có lý do gì giá năng lượng của chúng ta lại rẻ hơn thế giới.

“Có chăng chỉ có 2, 3 dạng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) vì nguồn nguyên liệu của chúng ta rẻ hơn còn nhiệt điện than ngày xưa do than chúng ta tự khai thác được thì có thể cung cấp cho EVN rẻ hơn. Nhưng bây giờ, ngay cả TKV cũng yêu cầu giá than bán cho EVN phải phản ánh được giá thị trường”, ông Sơn phát biểu.

“Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường”, ông Sơn nhấn mạnh. “Tránh những việc như vừa rồi, EVN phải báo lỗ, mà lỗ ở đây không phải lỗi của EVN khi chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao, nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới.

>> EVN tiếp tục thua lỗ, tính riêng 6 tháng đã âm 32 nghìn tỷ

img4931-17157643815781493349381.jpg
Ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn chia sẻ, có 4 vấn đề cản trở tiết kiệm điện.

Thứ nhất, câu chuyện đầu tiên trong vấn đề tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả là vấn đề nhận thức. Theo ông Sơn, đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng… để nhắc nhở. Toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai là sử dụng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới.

Theo ông Sơn, các hệ thống khu dân cư của các nước phát triển rất ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, ví dụ năng lượng từ rác… Ở Việt Nam, vấn đề đó đang khá chậm.

Thứ ba là chi phí tiết kiệm điện đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó. Ông Sơn dẫn chứng, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia, xử phạt rất nặng, từ đó người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động của người dân khác hẳn.

“Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Cuối cùng, ông Sơn cho rằng Việt Nam hiện nay chưa có mạng lưới tiết kiệm năng lượng đủ mạnh. Trước đây, khoảng năm 2015-2016, các mạng lưới về tiết kiệm năng lượng khá mạnh ở các địa phương nhưng sau đó do nhiều lý do, các đầu mối về tiết kiệm năng lượng bị giải thể, sáp nhập. Do đó, chức năng không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà còn nhiều nhiệm vụ khác, các hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm đúng mức. Vừa rồi, Bộ Công Thương đã thúc đẩy và có sự ra đời mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam, bắt đầu trong năm 2023-2024.

“Hi vọng trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan cũng sẽ thúc đẩy để làm sao mạng lưới tiết kiệm năng lượng của chúng ta lại quay lại được như cách đây gần 10 năm”, chuyên gia Hà Đăng Sơn bày tỏ.

>> Chính phủ đồng ý cho EVN được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Cơ chế giá điện 2 thành phần: Hạ tầng đã sẵn sàng để áp dụng

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới về giá điện

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-nang-luong-khong-co-ly-do-gi-gia-dien-viet-nam-re-hon-the-gioi-lo-khong-phai-loi-cua-evn-234970.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia năng lượng: Không có lý do gì giá điện Việt Nam lại rẻ hơn thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH