Chuyên gia: Nói đánh thuế với đồ uống có đường để giảm béo phì là chưa thuyết phục
Các chuyên gia cho rằng lập luận áp thuế với đồ uống có cồn để phòng tránh béo phì là không thuyết phục và cần các giải pháp bền vững hơn.
Ngày 20/9/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cùng Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi”. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật, nổi bật là về việc bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nói đánh thuế với đồ uống có đường để giảm béo phì là chưa thuyết phục. |
Theo các chuyên gia, việc mở rộng đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt đối với đồ uống có đường cần được đánh giá tác động một cách toàn diện, đảm bảo cân bằng về thu ngân sách, ổn định kinh tế, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, cũng như tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế.
Tại Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Lý do được đưa ra là nhằm chống lại tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam hiện nay.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, việc áp thuế đối với đồ uống có đường vốn không phải là một biện pháp mới: “Theo thống kê của WHO, hiện nay có 108/192 quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Trong đó, Brazil là quốc gia đầu tiên (1965) và Nga là quốc gia mới nhất (2023) áp dụng chính sách này. Từ năm 2016-2024, có 47 nước ban hành “thuế đường”. Riêng trong khu vực ASEAN, đã có 6 nước áp dụng “thuế đường”, đó là Campuchia (2003), Lào (2005), Thái Lan và Brunei (2017), Philippines (2018), Malaysia (2019). Tuy nhiên, mức độ áp dụng thuế này khá thấp”.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng đặt vấn đề việc đánh “thuế đường” có thực sự hiệu quả, giúp làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở các nước hay không vẫn chưa có luận cứ rõ ràng, thuyết phục. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dẫn số liệu từ Liên đoàn Béo phì Thế giới cho hay, vẫn có 24 quốc gia có tỷ lệ béo phì tăng dù đã đánh thuế nhiều năm.
Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Ngọc Yến, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, hiện nay, chưa có số liệu thực tế từ các nước đã áp dụng biện pháp thuế cho thấy việc đánh thuế giúp làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì.
“Ngược lại, một số nước đã đánh thuế lên nước giải khát có đường sau một thời gian áp dụng công cụ này lại có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm, chẳng hạn như: Ấn Độ, Thái Lan, Chile, Mexico, Bỉ, Phần Lan, Philippines,… Chẳng hạn, Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng đến năm 2016-2017, tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước này vẫn gia tăng liên tục, từ 19,2% lên 30,3% đối với nam giới và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới.
Tương tự, tại Mexico sau 2 năm áp thuế, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico có xu hướng tăng trở lại, đồng thời tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2021, tăng từ 69% lên 70% đối với nam giới; nữ tăng từ 73% lên 75%; trẻ em tăng nhanh nhất từ 35% lên 43%”, TS. Nguyễn Ngọc Yến thông tin.
Cũng theo bà Yến, nhiều quốc gia đã bãi bỏ chính sách thuế đối với nước giải khát có đường sau một khoảng thời gian áp dụng do tính thiếu hiệu quả của biện pháp thuế này đối với giảm tình trạng thừa cân, béo phì và tác động tiêu cực đối với kinh tế xã hội. Chẳng hạn như Đan Mạch, California, Illinois (Hoa Kỳ), Na Uy...
>>Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: tính toán lộ trình phù hợp
Áp thuế không phải là biện pháp hiệu quả
TS. Nguyễn Ngọc Yến cho hay, thay vì sử dụng công cụ thuế, một số quốc gia đã chọn cách nâng cao kiến thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Nhật Bản là một ví dụ điển hình với đạo luật chống béo phì ra đời năm 2008.
Áp thuế không phải là biện pháp hiệu quả. |
Đạo luật này không nhằm phạt các cá nhân mà yêu cầu những người thừa cân và eo lớn hơn so với quy định phải áp dụng chế độ dinh dưỡng do nhà chức trách đưa ra.
Chỉ số tiêu chuẩn cho vòng eo phụ nữ là 90, và đàn ông là 85 (áp dụng với những người từ 40-70 tuổi) nhằm đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm và các bệnh liên quan đến cân nặng. Sau 6 tháng, nếu không giảm cân, họ sẽ tiếp tục được đào tạo lại cho đến khi đạt chuẩn.
Kết quả là Nhật Bản có tỷ lệ béo phì trong dân số chỉ 3,5%, thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Đức, Pháp, Italia, Anh và Mỹ. Đây là minh chứng cho thấy, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là biện pháp hiệu quả hơn so với việc áp thuế lên thức uống có đường.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát và giảm tỷ lệ thừa cân béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm. Do vậy, cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cách tiếp cận bền vững để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm tăng cường giáo dục, tuyên truyền, áp dụng các chính sách và khuyến khích người dân duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cũng như tăng cường các hoạt động thể chất", bà Yến nhấn mạnh.