Vĩ mô

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: tính toán lộ trình phù hợp

Hà Lâm 25/08/2024 - 08:42

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều DN, chuyên gia. Tuy nhiên, một số sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia tại dự thảo này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Theo các chuyên gia, cần lựa chọn phương pháp phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến trái chiều

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo có đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia thêm 15 - 35% so với mức thuế suất theo luật hiện hành. Mặt hàng nước giải khát có đường cũng dự kiến được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sau khi công bố, dự thảo đã nhận được sự những ý kiến ủng hộ khi các chính sách nhấn mạnh đến mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia, đồng thời bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần lắng nghe từ nhiều chiều, trong đó các chuyên gia khuyến nghị việc tăng thuế nên được xem xét thận trọng, cân nhắc đủ các mặt lợi và hại trên cơ sở đánh giá số liệu khoa học, định lượng cụ thể; qua đó tránh gây tác dụng ngược làm ảnh hưởng tới thị trường cũng như nền kinh tế - xã hội.

Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho rằng, việc ban hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu tác hại của sử dụng rượu, bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội”.

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng, từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Từ đó, tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp DN, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.

“Tăng thuế có thể làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu, bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, gây thất thu thuế cho Nhà nước” - bà Cúc nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện.

Cùng quan điểm, VCCI, Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, đề xuất tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi, cân nhắc sức chịu đựng của DN, ngành hàng với lợi ích của sắc thuế, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với các quy định, thông lệ của các nước trên thế giới.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA ủng hộ mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn khó khăn của toàn ngành, bà Chu Thị Vân Anh kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét lộ trình tăng thuế hợp lý và giãn tiến độ.

Tính toán lộ trình, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cũng như các DN quan ngại lộ trình tăng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra có thể gây sốc lên ngành đồ uống cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Theo tính toán, riêng ngành đồ uống đã chứng kiến lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước…

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với DN và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, thực tế cũng chỉ ra rằng, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng dần đối với các sản phẩm bia, rượu từ nhiều năm trước chứ không phải mới tính đến.

Về mặt thuế suất, đề xuất thuế cần hài hòa lợi ích của Chính phủ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tôi đã cập nhật nhiều thông tin dự báo liên quan đến doanh thu của ngành đồ uống sẽ sụt giảm đáng kể khi tăng thuế suất theo hai phương án hiện nay.

Từ quan điểm này, tôi cho rằng, không nên tăng thuế suất cao như hiện nay và đề xuất nên giãn cách lộ trình tăng thuế để hài hòa lợi ích các bên. DN vẫn đứng vững, người tiêu dùng điều chỉnh được hành vi và Nhà nước có được nguồn thu từ thuế.

Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Vũ Thị Thu Hương

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn thuộc Tổng cục Thuế cho biết, thuế bia trước đây là 45% ở giai đoạn 2010 - 2012 và dần tăng lên mức 65% từ 2018 đến nay và đang tiếp tục tăng với lộ trình dự kiến lên 100% vào năm 2030.

Thuế tăng liên tục trong suốt 10 năm nay, với mức tăng khoảng 5%/năm, nhưng tiêu dùng bình quân đầu người tăng hơn hai lần. Đặc biệt là tác động nghịch của rượu, bia khi tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia có hành vi bạo hành năm 2010 chỉ chiếm 1,4% dân số nhưng đáng báo động là năm 2016 tỷ lệ này đã tăng lên đến 14,4%.

“Chỉ khi Nghị định số 100 năm 2019 được Chính phủ thực hiện quyết liệt thì hành vi bạo lực này mới thay đổi. Điều này cho thấy tác động của hành chính mạnh hơn so với tác động về thuế” - ông Phụng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh từ “ông lớn” đầu ngành là Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của DN này vẫn tăng trưởng trong suốt giai đoạn nâng thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng bia, rượu.

Cụ thể, năm 2014, Sabeco ghi nhận 24.635 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lãi ròng. Kết quả này tăng đều qua các năm và đạt đỉnh ở mức 38.134 tỷ đồng doanh thu và 5.370 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2019 trước khi đảo chiều giảm từ năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch cũng như Nghị định 100.

Công ty Chứng khoán Vietcap trong báo cáo cập nhật mới nhất về ngành bia đã nhấn mạnh rằng, sản lượng bán bia chỉ bị ảnh hưởng trong 2 hoặc 3 năm đầu sau khi thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhìn chung không có tác động đáng kể đến biên lợi nhuận nhờ chuyển phần thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cho người tiêu dùng.

Về lộ trình tăng thuế TTĐB, các chuyên gia đề xuất nên có độ giãn phù hợp. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA Chu Thị Vân Anh đề xuất, năm đầu tăng 5%, lộ trình giãn 2 năm tăng 5% để các DN có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn cũng như đảm bảo hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường xem xét chưa nên bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nêu ý kiến về 2 phương án Ban soạn thảo Luật đưa ra, trong đó, phương án 1 là tăng ổn định mỗi năm 10% (từ 65% hiện nay đến 2030 đạt mức 100%), Nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng cho rằng, dựa trên quan điểm tăng thuế mạnh để thay đổi hành vi của người tiêu dùng là hợp lý. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc hạn chế tiêu dùng, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà cần triển khai nhiều biện pháp khác mới đảm bảo mục tiêu đó.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phụng, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có các chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận mức giá mới; đồng thời, để DN chấp nhận sự tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh. Lúc này, các DN cũng cần chú trọng đến việc cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới công thức, giảm nguyên liệu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, thay vì quá quan tâm đến việc quảng bá, truyền thông như hiện nay.

Mục tiêu của chính sách thuế là thu ngân sách, tuy nhiên mỗi thuế có những mục tiêu khác kèm theo. Thuế TTĐB có mục tiêu là điều chỉnh hành vi tiêu dùng.

Nếu thuế TTĐB để điều chỉnh hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm chưa phải là thiết yếu, chưa phổ thông, chưa cần thiết, thì nên điều chỉnh, dành nguồn lực cho sự phát triển khác; hoặc điều chỉnh hành vi tiêu dùng với sản phẩm không tốt cho sức khỏe, gây hại với môi trường, xã hội, thì giúp giảm chi phí cho xã hội và người tiêu dùng.

Cần có đánh giá thật kỹ lưỡng, cả về định tính và định lượng để xác định là chính sách thuế mới có giúp điều chỉnh hành vi tiêu dùng hay không và thay đổi như thế nào”.

Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường

>> Ngành nước giải khát trước “cú sốc” tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giãn tiến độ để doanh nghiệp kịp thích ứng

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống: Có 24 ngành nghề bị ảnh hưởng

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-tinh-toan-lo-trinh-phu-hop.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: tính toán lộ trình phù hợp
    POWERED BY ONECMS & INTECH