Chuyên gia tiếp tục kiến nghị đánh thuế đối với căn nhà thứ hai

Hà Anh 21/07/2025 - 15:01

Đây là một trong năm nội dung trọng tâm được Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) được đề cập trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ.

Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đề xuất một số giải pháp xoay quanh các vấn đề kinh tế đang được quan tâm hiện nay. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế là một trong năm nội dung trọng tâm được NEU đề cập đến.

Cụ thể, các chuyên gia của NEU cho rằng, bên cạnh các giải pháp như tinh giảm hệ thống doanh nghiệp nhà nước và nâng cao chất lượng thể chế, việc tìm kiếm các nguồn thu bền vững mới để thay thế một phần cho các nguồn thu truyền thống cũng là yếu tố quan trọng.

Theo đó, Việt Nam nên cân nhắc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và găm giữ bất động sản. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng "đô thị ma" xuất hiện, kéo theo sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp.

Nhóm nghiên cứu NEU nhận định, khi chi phí sở hữu căn nhà thứ hai tăng lên do thuế, những chủ thể có xu hướng găm giữ sẽ buộc phải sử dụng tài sản hiệu quả hơn, bằng cách bán bớt, cho thuê, hoặc đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ góp phần tăng nguồn cung, hạ nhiệt giá nhà trên thị trường, từ đó hỗ trợ bất động sản phát triển lành mạnh và tránh lãng phí tài nguyên.

Thứ hai, việc sửa đổi hoặc cắt giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân nên được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các biện pháp áp thuế quan cao từ những quốc gia như Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chậm được điều chỉnh, không theo kịp lạm phát và chi phí sinh hoạt thực tế. Bên cạnh đó, biểu thuế thu nhập cá nhân có các bậc quá sát nhau khiến nhiều người, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp, phải chịu mức thuế cao ngay cả khi thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Do đó, việc điều chỉnh giảm sắc thuế này sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, qua đó khuyến khích chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ trong nước và bù đắp một phần sự sụt giảm từ hoạt động xuất khẩu.

Thứ ba, Việt Nam nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo nhóm nghiên cứu của NEU, đây là một công cụ hiệu quả để phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến động thương mại toàn cầu.

Việc chủ động được nguồn cung trong nước sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giảm thiểu rủi ro trước những chính sách thương mại quốc tế bất lợi, đảm bảo sự ổn định và bền vững cho hoạt động xuất khẩu.

>> Bộ Tài chính: Nghiên cứu áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản

Vietcombank kiến nghị bỏ quy định ngân hàng nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài

Đề xuất thông báo tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế trên VNeID

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-tiep-tuc-kien-nghi-danh-thue-doi-voi-can-nha-thu-hai-297075.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia tiếp tục kiến nghị đánh thuế đối với căn nhà thứ hai
    POWERED BY ONECMS & INTECH