Chuyên gia Võ Trí Thành: 3 hệ lụy tiêu cực khi giá vàng tăng phi mã

13-03-2024 19:24|Anh Minh

TS. Võ Trí Thành nhận định, mặc dù vàng không nằm trong giỏ hàng hóa tiêu dùng nhưng tăng giá cũng kéo theo một số hàng hóa khác tăng lên, gây hiện tượng 'té nước theo mưa'.

Chỉ trong 2 tuần, vàng nhẫn liên tục tăng mức kỷ lục. Trong phiên chốt ngày 11/3, giá vàng nhẫn tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu lên đến 69,82 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra 71,38 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đứng ở mức cao từ 82,15 triệu đồng/lượng bán ra, mua vào từ 80,30 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Bất chấp giá vàng đi lên, nhu cầu giao dịch vàng vẫn tăng. Nhiều người cho rằng, vàng sẽ “không bao giờ giảm” và kết quả là các cửa hàng vàng luôn chật kín khách trong những ngày này.

Xung quanh vấn đề về giá vàng biến động mạnh và những phương thức kiểm soát thị trường, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia.

Chuyên gia nhận định thế nào về việc vàng hiện đang tăng không có điểm dừng, USD cũng tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng?

Đầu tư tài chính gồm có các hình thức ngắn hạn, dài hạn theo ý nghĩa tiết kiệm, đề phòng bất trắc hoặc sinh lời. Mỗi kênh khác nhau có sự khác nhau ở mức độ biến động và tính thanh khoản của tài sản tài chính. Ví dụ bất động sản có thể biến động chậm, lợi nhuận cao nhưng tính thanh khoản không phải lúc nào cũng cao. Còn vàng và USD thì có đặc trưng vừa là kênh đầu tư, vừa là kênh tiết kiệm cũng là kênh trú ẩn. Bên cạnh giá trị sinh lời, tính thanh khoản của nó rất tốt vì vàng gần tiền dễ bán, dễ mua.

Thời điểm hiện nay, kinh tế còn nhiều bất trắc, địa chính trị thế giới phân mảnh, có xung đột giữa các vùng lãnh thổ. Với những khó khăn đó thì vàng có xu hướng là một trong những địa chỉ trú ẩn để đảm bảo giá trị cần thanh quản, sinh lời cao. Nhưng yếu tố này lại dễ gây ra tâm lý bị kích động về nhu cầu. Đó là trò chơi của các nhà đầu tư và những người dẫn dắt thị trường.

Modern Business Qoutes Motivation Instagram Post

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia.

Ngoài ra, vàng cũng có quan hệ với tỷ giá khi nó là tài sản liên thông qua các kênh khác nhau từ chính thức đến phi chính thức. Vàng còn gắn với sự dịch chuyển của nguồn ngoại tệ khi việc xuất nhập khẩu vàng ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ giá.

Một nguyên nhân quan trọng khác, các ngân hàng trung ương tăng tích trữ vàng chứ không phải bằng một ngoại tệ nào khác khiến giá vàng trên thế giới nhất loạt tăng mạnh kéo theo thị trường vàng trong nước tăng.

Như vậy có thể coi vàng là “hầm trú ẩn” an toàn trong thời điểm kinh tế khủng hoảng?

Cũng có thể cho đó là một lý do. Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh là “hầm trú ẩn an toàn” hay không còn phụ thuộc vào khẩu vị, nhìn ngắn nhìn dài của mỗi người.

Nếu nhìn nó như một kênh đầu tư tiết kiệm, đề phòng cho những bất trắc thì đúng là một nơi trú ẩn an toàn. Còn nếu muốn đầu tư sinh lời thì phải chấp nhận rủi ro, lợi nhuận cao thì rủi ro cao.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì vàng vẫn là kênh nhiều người quan tâm trong thời điểm nhiều bất định, bất ổn, bất trắc và có thể coi nó là một tài sản khá an toàn.

Vậy nếu càng nhiều người tìm đến “nơi trú ẩn” an toàn thì thị trường trong nước có bị ảnh hưởng không và ảnh hưởng như thế nào?

Về mặt nguyên tắc, các thị trường tài chính biến động mạnh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế xã hội.

Thứ nhất, việc điều hành chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn. Xu thế này chắc chắn ảnh hưởng đến dòng tiền gửi, hoặc sẽ có một dòng điều chuyển từ thị trường chứng khoán, từ những dự án bất động sản nếu nhà đầu tư cảm thấy vàng đã có lời và tất toán được. Rủi ro tiềm ẩn từ việc dịch chuyển dòng tiền buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có biện pháp xử lý để không gây ra những hệ luỵ cho nền kinh tế, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng.

Ở những thời điểm căng thẳng và đỉnh điểm, NHNN có thể phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Việc tung USD ra đồng nghĩa với việc hút VNĐ về. Điều này sẽ gây áp lực đến thanh khoản của nền kinh tế vốn đang rất cần vốn để phục hồi, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành các mục tiêu chính là tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong năm.

>> Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại 3 địa phương

Thứ hai, nó liên quan đến việc sản xuất kinh doanh. Nhà đầu tư rút tiền về để “đập” vào vàng kiếm lời, tìm nơi “trú ẩn” thì rõ ràng thiếu đi nguồn lực lớn cho sản xuất kinh doanh rồi.

Thứ ba vàng vẫn “neo cao” có thể gián tiếp gây ra hiện tượng té nước theo mưa. Mặc dù vàng không nằm trong giỏ hàng hóa tiêu dùng nhưng tăng giá cũng kéo theo một số hàng hóa khác tăng lên. Vậy thì đơn giản người tiêu dùng phải chi cho mớ rau muống, miếng thịt cao hơn. Đối với tầng lớp có tiền không ảnh hưởng nhiều nhưng với những người thu nhập thấp, không ổn định hoặc chưa cao cũng sẽ là vấn đề.

Vậy không có một biện pháp nào để bình ổn hay kiểm soát trong những ngày giá vàng “nước sôi lửa bỏng” hay sao, thưa chuyên gia?

Để thị trường này phát triển lành mạnh và bình ổn là cả câu chuyện lớn. Xét theo góc độ tổng thể, giá vàng liên quan đến rất nhiều kênh tài chính, từ vi mô cho đến vĩ mô. Nó không chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa mà còn theo thế giới, địa chính trị và phát triển sản xuất kinh doanh…

Và những yếu tố này đang được xem xét để sửa đổi bổ sung các điều khoản trong Nghị định 24.

2

Chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 24 sớm để kiểm soát giá vàng

Nghị định 24 ra đời cách đây hơn 10 năm (2012). Với tính biến đổi liên tục của thị trường, những quy định cũ đã dần bộc lộ bất cập trong bối cảnh mới. Do vậy, với bối cảnh kinh tế hiện đại, cần những quy định, chính sách "động" hơn. Song, những cuộc tranh luận về vàng vừa qua vẫn chưa đủ để sửa đổi Nghị định này.

Với việc giá vàng thế giới và trong nước đang chênh lệch cao như hiện nay (vàng trong nước cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng) thì các nhà hoạch định chính sách phải quay về bình ổn trong nước trước.

Điều dễ thấy nhất khiến cho giá vàng mỗi ngày một lên cao là việc nhập khẩu độc quyền khiến vàng mất đi tính cạnh tranh. Và để giải quyết việc này, phải sửa Nghị định 24 càng sớm càng tốt, để tăng nguồn cung vàng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường; đừng để vàng SJC độc quyền nữa thì sẽ phần nào kìm hãm được sự tăng giá của nó.

>> Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Vàng và USD lập đỉnh có thể dẫn đến nguy cơ chết đọng vốn, gây hệ lụy không hề nhỏ

Giá vàng nhẫn tăng cao phi lý, dân vẫn ham đu đỉnh, nhà buôn ‘cháy hàng’

Giá vàng miếng SJC lên 82,5 triệu đồng, thế giới vẫn đặt cược tăng tiếp

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chuyen-gia-vo-tri-thanh-3-he-luy-tieu-cuc-khi-gia-vang-tang-phi-ma-d117786.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia Võ Trí Thành: 3 hệ lụy tiêu cực khi giá vàng tăng phi mã
    POWERED BY ONECMS & INTECH