Tài chính quốc tế

Chuyến hàng Trung Quốc đầu tiên chịu thuế 145% đã cập cảng Mỹ

Vũ Bấc 10/05/2025 23:01

Mức thuế nhập khẩu 145% đối với hàng hóa Trung Quốc đang gây chấn động chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hàng loạt chuyến tàu bị hủy, doanh nghiệp lao đao và nguy cơ thiếu hụt hàng hóa tại Mỹ ngày càng rõ rệt.

Những container đầu tiên chở hàng hóa Trung Quốc chịu mức thuế nhập khẩu 145% – mức thuế cao kỷ lục do Tổng thống Donald Trump công bố – đã chính thức cập cảng Mỹ.

Theo ghi nhận, bảy tàu chở hơn 12.000 container hàng hóa đã cập cảng Los Angeles và Long Beach, California, chỉ vài ngày sau khi mức thuế mới chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, năm tàu khác với hàng hóa tương tự dự kiến sẽ cập cảng trong những ngày tới.

Chuyến hàng Trung Quốc đầu tiên chịu thuế 145% của ông Trump đã cập cảng Mỹ - ảnh 1
Các tàu container neo đậu tại Cảng Los Angeles vào ngày 06/5/2025 tại San Pedro, California

Các container này chứa hàng hóa từ một loạt tập đoàn bán lẻ và thương hiệu tiêu dùng lớn, bao gồm Amazon, Home Depot, Ikea, Ralph Lauren và Tractor Supply. Hàng hóa nhập khẩu trải dài từ đồ gia dụng, quần áo, đồ nội thất đến thiết bị điện tử và linh kiện máy móc.

Cụ thể, Amazon nhập khẩu nhiều mặt hàng thay mặt cho người bán trên nền tảng của mình, bao gồm tủ lạnh, nồi chiên ngập dầu, giá sách, tấm lót chuột và ghế sofa phòng khách. Các lô hàng của Home Depot đã hoàn tất thủ tục thông quan cho các sản phẩm như đèn và quạt trần.

Tractor Supply, một nhà bán lẻ lớn trong ngành nông nghiệp và đồ dùng ngoài trời, cũng có hàng hóa trong số container này. Người phát ngôn của công ty dẫn lại tuyên bố trong cuộc họp báo cáo tài chính ngày 24/4 vừa qua, cho biết doanh nghiệp đang đối mặt với “sự không chắc chắn đáng kể” do chính sách thuế mới, đồng thời khẳng định họ đang tích cực làm việc với các đối tác cung ứng và chuỗi cung ứng để điều hướng tác động, đồng thời theo dõi các biến động kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.

Danh mục hàng hóa chịu thuế trong đợt nhập khẩu này rất đa dạng: đồ nội thất từ Ikea; kính bơi và mũ bơi của Speedo; khăn giấy do Procter & Gamble sản xuất; bảng mạch in, lò vi sóng và linh kiện tủ lạnh từ Samsung; áo len, vải cashmere và áo khoác của Ralph Lauren; giày Dr. Martens; thiết bị gia dụng như máy giặt, máy lạnh, bếp, tủ lạnh và máy rửa chén của LG; dụng cụ thể thao từ Bauer Hockey; linh kiện máy tính của Lenovo; linh kiện ô tô cho Valeo North America; cùng với tai nghe và bàn phím máy tính dành cho Polaris.

Bất chấp lo ngại về nhu cầu tiêu dùng suy yếu và bối cảnh kinh tế chưa ổn định, nhiều công ty vẫn xem đây là những mặt hàng thiết yếu cần được bổ sung vào chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp cho rằng việc duy trì lượng hàng tồn kho đầy đủ trong bối cảnh chính sách thương mại biến động là điều cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định cho khách hàng tại thị trường Mỹ.

Chuyến hàng Trung Quốc đầu tiên chịu thuế 145% của ông Trump đã cập cảng Mỹ - ảnh 2
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt 12,4% bất chấp mức thuế 145% vào tháng 3/2025

Trước thềm các cuộc đàm phán thương mại quan trọng với Trung Quốc vào cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ gợi ý khả năng giảm mức thuế nhập khẩu từ 145% xuống còn 80% – con số vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là “cực kỳ cao”.

“Thuế quan 80% đối với Trung Quốc có vẻ đúng! Tùy thuộc vào Scott B,” Trump viết trên nền tảng Truth Social hôm 8/5, ám chỉ đến cuộc họp dự kiến diễn ra giữa Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và các quan chức Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với tình trạng rối loạn do thiếu rõ ràng trong hệ thống thuế quan hiện hành. Ông Brian Bourke, Giám đốc thương mại toàn cầu tại SEKO Logistics, cho biết khách hàng của ông đang gặp khó khăn trong việc hiểu cách các mức thuế khác nhau chồng lấn hoặc vô hiệu hóa lẫn nhau.

“Sự nhầm lẫn đã khiến họ liên tục thay đổi kịch bản và đóng băng các quyết định kinh doanh quan trọng", ông Bourke nói với CNBC. “Nhiều khách hàng đã định giá và bán sản phẩm từ trước khi mức thuế mới được công bố. Với tốc độ ban hành và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp mới, họ không thể điều chỉnh giá cho các đơn hàng đã được bán nhưng sẽ chỉ được giao vào tháng 5, tháng 6 hoặc muộn hơn".

Theo các dữ liệu ban đầu, kể từ khi mức thuế 145% được áp dụng vào đầu tháng 4, khối lượng hàng hóa và số lượng container vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm đáng kể, phản ánh tâm lý dè chừng và tính toán lại của các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng xuyên Thái Bình Dương.

Theo báo cáo từ Sea-Intelligence, tổng cộng 90 chuyến tàu trên các tuyến thương mại chính giữa Bờ Tây và Bờ Đông Bắc Mỹ với châu Á đã bị hủy trong tháng 4 và tháng 5. Trong đó, Ocean Alliance – liên minh vận tải bao gồm các công ty do Trung Quốc sở hữu như COSCO, OOCL cùng Evergreen (Đài Loan) và CMA CGM (Pháp) – chiếm đến 48 chuyến.

Lượng đặt chỗ tàu hàng cũng giảm mạnh, từ 30% đến 50%, theo các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và hãng vận tải biển. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động tức thời của mức thuế mới, khiến nhiều doanh nghiệp dừng hoặc giảm đơn hàng sản xuất, đồng thời tìm cách điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu.

Báo cáo mới nhất từ Global Port Tracker – công bố bởi Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) và Hackett Associates – cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu qua các cảng container lớn tại Mỹ được dự báo sẽ ghi nhận mức giảm theo năm đầu tiên kể từ năm 2023. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thuế quan đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng.

Không chỉ giảm số lượng chuyến, các hãng vận tải biển còn chuyển sang sử dụng tàu có công suất nhỏ hơn do thiếu container để lấp đầy. MSC – hãng vận tải container lớn nhất thế giới – cùng với Gemini Alliance (liên minh giữa Maersk và Hapag-Lloyd) đã điều chỉnh quy mô tàu trên tuyến châu Á – Bắc Mỹ. Dữ liệu từ Sea-Intelligence cho thấy MSC đã cắt giảm 28% công suất vận chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong khi Ocean Alliance giảm 26%.

Giám đốc Brian Bourke từ SEKO Logistics nhận định: “Khi các doanh nghiệp và hãng vận tải hoàn tất việc nhập khẩu những gì họ xem là hàng hóa thiết yếu, họ sẽ bước vào giai đoạn ‘chờ đợi và đánh giá". Ông cảnh báo tình trạng hủy đơn hàng từ Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn, dẫn đến rủi ro thiếu hụt sản phẩm tại thị trường Mỹ.

“Điều gì sẽ xảy ra khi lượng hàng tồn kho dự trữ cạn kiệt?” – ông Bourke đặt câu hỏi, nhấn mạnh nỗi lo kệ hàng trống rỗng có thể sớm trở thành hiện thực nếu không có giải pháp chính sách kịp thời nhằm ổn định thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tham khảo CNBC

>> Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á giảm nhập khẩu dầu từ Singapore về 0, quay sang lấy lòng Mỹ trước thềm đàm phán

Trung Quốc âm thầm ‘cắm cờ’ tại hơn 30 cảng biển, EU vội vã ‘vá’ lỗ hổng an ninh

Tại sao Trung Quốc không vội vàng tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Mỹ?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chuyen-hang-trung-quoc-dau-tien-chiu-thue-145-cua-ong-trump-da-cap-cang-my-142102.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyến hàng Trung Quốc đầu tiên chịu thuế 145% đã cập cảng Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH