Trên thị trường, hiện có nhiều luồng quan điểm xoay quanh câu chuyện hủy hay không hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Thị trường chứng khoán phiên 15/2/2022 nổi lên pha “giải cứu” HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai đầy ngoạn mục trong phiên chiều. Chốt phiên sáng, HAG còn dư bán sàn tới hơn 24 triệu đơn vị, lệnh mua nhỏ giọt nhưng chỉ ít phút đầu giờ chiều với những lệnh mua lớn, 12 triệu cổ phiếu đã được giải quyết, tạo lệnh mồi, đẩy lực cầu bắt đáy HAG chảy mạnh, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, thậm chí kéo mã này lên sát mức giá trần trước khi đóng cửa có sắc xanh nhạt.
Sau phiên giải cứu ngoạn mục này, HAG tiếp tục có sắc xanh khi mở cửa phiên sáng 16/2/2022. Tuy nhiên, lực bán ra vẫn khá lớn khiến mã này chỉ lình xình quanh tham chiếu. Kết phiên sáng, mã này giảm nhẹ về mức 11.600 đồng với thanh khoản gần 6 triệu đơn vị.
Vấn đề có hủy niêm yết HAG hay không đang tạo làn sóng tranh luận trái chiều rất lớn trên thị trường. Từ cuối tuần trước đến nay, nhiều cổ đông của doanh nghiệp gửi đơn lên các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và cả các cơ quan truyền thông để đề nghị có thông tin rõ ràng hơn về trường hợp “đi hay ở” của cổ phiếu HAG trên HOSE.
Trên thị trường, hiện có nhiều luồng quan điểm về trường hợp này. Một số luật sư cho rằng, không đủ căn cứ pháp lý để hủy niêm yết HAG đồng thời để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HAG gần đây với niềm tin rằng doanh nghiệp đang có chuyển biến tốt.
Trong khi lãnh đạo một số quỹ đầu tư lại nhìn nhận, luật đưa ra không phải để bảo vệ cổ đông hiện tại mà để bảo vệ các nhà đầu tư tương lai. Nghĩa là khi hủy niêm yết bắt buộc một cổ phiếu nào đó, các nhà đầu tư được cảnh báo để không mua cổ phiếu chất lượng xấu.
Bản thân chất lượng HAG thể hiện ở việc phải hồi tố báo cáo tài chính với kết quả lỗ, thì phải hủy niêm yết theo quy định để bảo vệ các nhà đầu tư khác. Nếu HAGL hoạt động tốt, có lãi trở lại, đủ điều kiện thì sẽ sớm trở lại HOSE.
TTF, HAG, HNG, HHV, HVN, PVD tiếp tục bị cắt margin trên HOSE
Hồi tháng 1/2022, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho biết, hai mảng chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai những năm tiếp theo sẽ là cây chuối và con heo. Bầu Đức chia sẻ:"Làm nông nghiệp 10 năm tôi mới mò ra được cây chuối và con heo”.
Trong năm 2022, HAGL đặt kế hoạch doanh thu tăng mạnh lên 4.820 tỷ đồng - tương ứng thu về mức lợi nhuận sau thuế cao gấp gần 10 lần lên 1.120 tỷ đồng. Mức lãi này cũng đánh dấu việc HAGL quay lại mặt bằng thời hoàng kim từ năm 2011 về trước (trừ năm 2014 lãi đột biến từ hoạt động tài chính). Theo đó, nguồn thu chủ yếu dù đột biến cũng phần lớn đến từ “cây chuối và con heo”.
Về mảng chuối, diện tích trồng của HAGL ghi nhận vào khoảng 5.000 ha trong đó bao gồm 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia. Bên cạnh đó, công ty này cũng trồng các loại cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài với tổng diện tích cây ăn trái lên đến 10.000 ha.
HAGL đang giao thương mặt hàng chuối với Trung Quốc thông quan một sàn hàng hoá, nơi đơn vị cung ứng phải đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính riêng khách hàng Trung Quốc, hiện nhu cầu tiêu thụ hàng năm đạt đến 18 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng của HAGL và HAGL Agrico (HNG) hiện chưa đến 1 triệu tấn. "Nhìn chung, với Trung Quốc thì mình làm cái gì ra nếu bên đó ăn được thì sẽ không bao giờ làm nổi", bầu Đức chia sẻ.
Còn với mảng heo, HAGL đến nay đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại chăn nuôi với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm. Theo đó, mỗi cụm chuồng trại của HAGL hiện nuôi 2.400 con heo nái với năng suất một con heo nái đẻ ra khoảng 25 con heo thịt một năm. Công ty này cũng đang nuôi heo hơi và dự kiến xuất chuồng trong thời gian tới.
Nói về cơ duyên với mảng “cây chuối và con heo”, bầu Đức cho biết: “Công ty cần thanh khoản nên phải nuôi heo, bởi tính trung bình từ lúc đẻ đến khi xuất chuồng chỉ khoảng 5 tháng (ngắn hơn nhiều so với nuôi bò).”
Ngoài ra, HAGL cũng đang có nhiều lợi thế về vị trí chuồng trại và đặc biệt nguồn nguyên liệu thức ăn là cây chuối. Ước tính, HAGL làm ra 100% chuối thì xuất được 50%, còn lại có thể tái sử dụng cho chăn nuôi.
"So với giá thị trường là 50.000 đồng/kg, biên lợi nhuận gộp của Công ty ghi nhận 30%. Nếu giá heo hồi phục về mức 90.000 đồng/kg thì hiệu suất lợi nhuận của HAGL có thể lên đến 50%", bầu Đức nói thêm.
Nói về thông tin HAGL đăng ký bán 48,1 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), bầu Đức chia sẻ: “Thời thế thế thời, không ai nói trước được. Đôi khi nhìn vậy không phải vậy. Và dù mình có đang thành công cũng không nên nói nhiều, vì tương lai chưa biết được thế nào".
Tuy nhiên, nhìn chung, với tâm thế người cầm cương, bầu Đức cho rằng, tình hình kinh doanh hiện tại vẫn rất lạc quan.
Nhớ lại những năm bươn chải của mình, bầu Đức tâm sự, trăn trở lớn nhất chính là nợ, và trả nợ sẽ là mục tiêu trọng tâm của HAGL trong tương lai gần. "Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều. Thành công lớn nhất của HAGL có thể nói là giảm dư nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng", bầu Đức nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch của HAGL cũng tâm sự: "Nợ rất nhục nhã, và tôi phải quyết tâm, quyết tâm trả nợ".
Năm nay, theo dự tính HAGL sẽ bán nốt số cổ phần HNG còn lại. Tạm tính theo mệnh giá thì số tiền thu về tối thiểu là 2.200 tỷ đồng. Phía Thaco cũng bàn bạc sẽ trả 2.200 tỷ nợ HAGL trong năm 2022. Tổng số tiền 4.400 tỷ đồng sẽ được HAGL dùng để trả nợ.
"Với cổ phiếu HNG, Công ty xác định không phải là công ty tài chính nên chủ trương cầm cổ phiếu là không có, HAGL sẽ bán để thu tiền trả nợ. Chưa kể nếu có đối tác phù hợp, HAGL có thể phát hành thêm để có thể tất toán luôn 10.000 tỷ nợ hiện nay".
HAGL: 'Trái ngọt' cuối năm 2024 giúp cổ phiếu HAG bứt tốc
Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Người nhà lãnh đạo muốn thoái toàn bộ cổ phần