Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học có gây bất tiện cho khách hàng?

24-05-2024 07:00|Hoàng Hiếu

Theo quy định mới từ ngày 1/7 tới đây các giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay.

"Không thể bắt người dân mua 1 chai nước hay 1 cái vé xe bus phải kiểm tra sinh trắc học"

Tại Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" mới đây, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua, NHNN đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn.

Trong hội thảo, Phó Thống đốc đã cho biết, từ ngày 1/7, các ngân hàng áp dụng chính sách giao dịch trên 10 triệu đồng thì phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an cấp. Trường hợp này để tránh việc thuê mượn tài khoản cũng như người dân kiểm tra, rà soát lại thông tin tài khoản, nhằm ngăn chặn nguy cơ lừa đảo.

Ông Dũng cho biết thêm, mức 10 triệu không ảnh hưởng nhiều khách hàng, bởi 70% giao dịch ngân hàng trực tuyến là giao dịch dưới 1 triệu đồng. NHNN đã kết hợp với rất nhiều bên và nghiên cứu kỹ lưỡng về con số này.

Phó Thống đốc nói thêm: "Không thể bắt người dân mua 1 chai nước hay 1 cái vé xe bus phải kiểm tra sinh trắc học. Không một nước nào làm như thế cả. Chúng tôi không thể làm gián đoạn trải nghiệm của người dân khi thực hiện giao dịch thông thường. NHNN quy định giao dịch nhỏ lẻ với tổng giá trị 20 triệu đồng mỗi ngày sẽ làm xác thực một lần. Chúng tôi cũng quy định, khi cài sang một thiết bị khác cũng phải yêu cầu sinh trắc học. Thông qua một số biện pháp, câu chuyện bảo vệ quyền và lợi ích người dùng sẽ được nâng cao".

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ sở để đưa ra mức 10 triệu đồng, 20 triệu đồng như nêu trên là khi xây dựng Quyết định 2345, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá tác động dựa trên số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân.

Cụ thể, số lượng giao dịch trong ngày có giá trị trên 10 triệu đồng chiếm khoảng 11,3% số lượng giao dịch và trung bình chiếm khoảng 11,64% số tài khoản; số lượng tài khoản có tổng giá trị giao dịch trong ngày 20 triệu đồng (đối với các giao dịch có giá trị nhỏ hơn 10 triệu đồng) chỉ chiếm khoảng 0,79% số lượng tài khoản, chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này, ví dụ như Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã quy định từ tháng 6/2023 các giao dịch chuyển tiền trên 50.000 Bath (1.400 USD) phải xác thực sinh trắc học).

Như vậy, với những giao dịch dưới 10 triệu đồng, khách hàng không cần xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. NHNN đã kết hợp với rất nhiều bên và nghiên cứu kỹ lưỡng về con số 10 triệu này nhằm đảm bảo sự thuận tiện khi thanh toán mà vẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học có gây bất tiện cho khách hàng?
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet

Xu hướng thanh toán sinh trắc học

Giám đốc Giải pháp thanh toán toàn cầu (FIS Global) Stephen Peters đánh giá, tại Việt Nam, ví điện tử là phương thức thanh toán eCom hàng đầu với tỷ lệ 36%, tiếp đó là 31% thanh toán POS trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 49% (thanh toán eCom) và 50% (thanh toán POS) vào năm 2027. Trong khi đó, việc sử dụng tiền mặt và thanh toán thẻ đang ngày càng giảm (cho cả tín dụng và ghi nợ).

Theo ông Stephen Peters, tỷ lệ thanh toán từ tài khoản đến tài khoản(A2A) năm 2023 đạt 20% tại Việt Nam. Cùng với đó, những xu hướng thanh toán mới đầy tiềm năng khác đang xuất hiện, một trong số đó là thanh toán sinh trắc học (Biometric Pay).

Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng công nghệ thanh toán sinh trắc học. Các hệ thống thanh toán sử dụng vân tay và khuôn mặt đã được triển khai rộng rãi tại các cửa hàng, nhà hàng, máy ATM và trung tâm mua sắm ở Nhật Bản.

Trung Quốc cũng đang trở thành thị trường lớn cho Biometric Pay với hàng triệu người sử dụng mỗi ngày thông qua các ứng dụng thanh toán di động như Alipay, WeChat Pay, Union Pay,…

Nhiều chuyên gia cho biết, với sự nỗ lực của các bên tham gia, Biometric Pay hứa hẹn sẽ trở thành phương thức thanh toán phổ biến trong tương lai tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo dữ liệu từ Bộ Công an, đến nay Bộ đã cấp 86 triệu căn cước công dân gắn chip, thu thập hơn 1 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 53,88 triệu tài khoản; có 8 tiện ích phục vụ cho người dân với 29,4 triệu lượt người truy cập vào VNeID.

>>Từ 1/7, chỉ cho phép sử dụng dịch vụ với các ví điện tử liên kết tài khoản, thẻ ghi nợ của chính chủ

Từ 1/7, chỉ cho phép sử dụng dịch vụ với các ví điện tử liên kết tài khoản, thẻ ghi nợ của chính chủ

Vì sao NHNN chọn mốc 10 triệu đồng để xác định sinh trắc học khi chuyển tiền?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-tien-tren-10-trieu-phai-xac-thuc-sinh-trac-hoc-co-gay-bat-tien-cho-khach-hang-235955.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học có gây bất tiện cho khách hàng?
POWERED BY ONECMS & INTECH