Tại ĐHCĐ thường niên 2023, CEO Tập đoàn Masan chia sẻ từ quý 2, quý 3/2023, MSN sẽ có sự tăng trưởng về doanh thu.
Ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 và thông qua các định hướng của Masan Consumer (MCH), Masan Group (MSN) và Masan Meatlife (MML) thời gian tới.
Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh năm 2023, MSN đặt mục tiêu mang về 90.000-100.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000-5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong năm nay, TCX kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng cả về doanh thu thuần và lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông thiểu số trên cơ sở hợp nhất nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn tại WCM và MCH. WCM kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp và tăng cường đòn bẩy hoạt động để cải thiện lợi nhuận, còn MCH sẽ dần khôi phục lại mức biên lợi nhuận gộp khi giá hàng hóa giảm và lạm phát giảm dần.
Đối với Masan Consumer Holdings, trong năm 2023, MCH sẽ phát triển mô hình hoạt động chuyên biệt hơn theo ngành hàng và kênh bán hàng. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc cá nhân & gia đình dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính của MCH, chiếm ~2/3 tổng tăng trưởng doanh thu vào năm 2023.
Masan MEATLife (MML) dự kiến lợi nhuận sẽ tăng cao nhờ tỷ lệ tiêu thụ cao hơn, tăng trưởng doanh số bán thịt chế biến và kiểm soát chi phí.
Phúc Long Heritage (PLH) đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể, đứng thứ 2 về doanh thu và đứng thứ nhất về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. PLH dự kiến sẽ trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về số lượng cửa hàng vào quý 2/2023.
Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến doanh thu thuần “ khoảng 16.500 - 18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% do các yếu tố cơ bản về thị trường vonfram tiếp tục được cải thiện và động lực của thị trường hàng hóa nói chung.
Về cổ tức, cổ đông thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của Công ty tùy thuộc vào kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc "Công ty có kế hoạch gì để đưa giá cổ phiếu của Masan về giá 160.000 đồng/cp”, ông Danny Le, CEO MSN đáp “Câu hỏi này hơi căng! "
Vị lãnh đạo này chia sẻ đây là câu chuyện được cổ đông Masan quan tâm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Tuy nhiên, ông Danny Le không trực tiếp nói về lộ trình đưa cổ phiếu trở lại nhưng cho biết, bắt đầu từ quý 2, quý 3/2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng về doanh thu của Masan.
Cùng với đó, việc triển khai chương trình Hội viên dựa trên nền tảng hệ sinh thái của Masan cũng sẽ là cơ sở mang lại nhiều giá trị cho người dùng và tạo nên kết quả kinh doanh tích cực cho Tập đoàn.
Câu chuyện kết quả kinh doanh tác động đến giá cổ phiếu sẽ không phải là bài toán ngắn hạn, mà đó là một hành trình tương lai. Masan chỉ có thể khẳng định kết quả kinh doanh sẽ chứng kiến những con số khởi sắc trong 3 quý còn lại.
Trên thị trường, sau khi đạt đỉnh ở mức 175.000 đồng/cp vào năm 2021, MSN đã quay đầu giảm và chính thức mất mốc 100.000 sau nhịp rủ mạnh của thị trường. Đóng cửa phiên 24/4, MSN giảm 4,06% về 73.300 đồng/cp, tương ứng thấp hơn 55% so với mức giá kỳ vọng của cổ đông.