Với kế hoạch phát hành thêm gần 900 triệu cổ phiếu, ông Đỗ Quang Vinh cho rằng có thể sẽ làm giá pha loãng một chút nhưng 'sẽ rất xứng đáng'.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) tổ chức chiều ngày 15/5, vấn đề được các cổ đông quan tâm và chất vấn ban lãnh đạo nhiều nhất là việc tăng vốn.
Theo đó, SHS sẽ phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5%, nguồn vốn đến từ lợi nhuận sau thuế năm 2023, có tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 406,6 tỷ đồng.
Tiếp đó, công ty phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cổ phần, tỷ lệ 5%, giá trị phát hành theo mệnh giá là 406,6 tỷ đồng.
SHS cũng dự kiến chào bán 813,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cp. Số tiền thu được dự kiến là 8.130 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động kinh doanh của công ty, trong đó, 40% số tiền sẽ được sử dụng cho hoạt động cho vay margin, ứng trước và 60% cho hoạt động đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, SHS sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cp. Số tiền thu được từ kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cũng sẽ được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động kinh doanh của công ty.
Như vậy tổng cộng, SHS muốn phát hành gần 900 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ hơn gấp đôi, từ hơn 8.100 tỷ đồng lên trên 17.100 tỷ đồng.
Có cổ đông băn khoăn tại sao SHS không tăng vay nợ ngân hàng khi thực tế chỉ số dư nợ tín dụng của công ty hiện đang rất thấp, khoảng 8%. Có cổ đông e ngại việc phát hành số lượng lớn sẽ pha loãng cổ phiếu, làm giảm giá trị của cổ phiếu. Có cổ đông khác cho rằng SHS đang giao dịch ở vùng định giá rẻ (hơn 19.000 đồng/cp), nếu phát hành giá 10.000 đồng/cp sẽ không thu hút được nhà đầu tư.
Trả lời cổ đông, ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch SHS cho biết, SHS có mối quan hệ chặt chẽ với một số ngân hàng, có hạn mức vay lớn, tuy nhiên do có nguồn vốn sẵn có nên công ty tận dụng để tối ưu chi phí nhất, hạn chế vay. Với đề xuất của cổ đông, sắp tới, công ty sẽ nghiên cứu để có phương án vay vốn từ ngân hàng.
Về phương án huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, lãnh đạo SHS nhận định, đó là chiến lược dài hạn nhằm tạo sức mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển trong nhiều năm tới, với tầm nhìn cùng với các công ty thành viên trở thành tập đoàn tài chính đầu tư vào năm 2030.
SHS sẽ tận dụng hiệu quả hệ sinh thái với sự tham gia của ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, đồng thời tận dụng các nguồn vốn khác như vốn vay ngân hàng để tối đa hóa giá trị cho cổ đông.
Với việc hiện thực hóa được kế hoạch tăng vốn trên, cùng với sự cải thiện trong hiệu quả kinh doanh, Chủ tịch Đỗ Quang Vinh kỳ vọng SHS có thể đạt được lợi nhuận khoảng 1.600 - 1.800 tỷ đồng vào năm 2025, thậm chí cao hơn nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt vào năm tới để cổ đông cảm nhận đầu tư vào SHS là rất xứng đáng và mang lại lợi nhuận thực tế, ông Vinh cho biết thêm.
Diễn biến giá cổ phiếu SHS |
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 15/5, cổ phiếu SHS tăng 1,04% lên mức 19.400 đồng/cp.
>> Chứng khoán SHS dự trình kế hoạch phát hành 900 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên gấp đôi
Ngành thép được kỳ vọng sẽ khởi sắc, CTCK gọi tên 3 cổ phiếu được hưởng lợi
Cổ phiếu Hoà Phát (HPG) vượt mốc 31.000 đồng/cp, tài sản tỷ phú Trần Đình Long tăng gần 14.000 tỷ