Trước những thông tin tiêu cực, trong phiên 23/12, thị giá POW đã quay đầu giảm hơn 2% và tiếp tục giảm mạnh hơn 5% trong nửa đầu phiên sáng 24/12/2021.
Ước tính lỗ trăm tỷ trong quý IV/2021
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư gần đây, PV Power (POW) cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2021 của công ty ước đạt gần 2.200 tỷ đồng - giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Dựa trên ước tính năm 2021 của công ty, tương đương quý IV/2021 lỗ trước thuế 124 tỷ đồng do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của Vũng Áng. Đây cũng là lần đầu tiên PV Power có quý thua lỗ từ khi lên sàn chứng khoán.
Nhà máy điện than Vũng Áng bị sự cố kỹ thuật từ tháng 9/2021 và công ty ước tính sửa xong trong quý III/2022. Do đó, sản lượng điện từ nhà máy Vũng Áng đã giảm 63% YoY trong tháng 10 & tháng 11/2021.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó Tổng Giám đốc PV Power chia sẻ, đây mới là con số ước tính tính đến 21/12; trong thời gian gần 10 ngày trước khi kết thúc năm tài chính 2021, con số có thể thay đổi theo hướng tăng thêm.
Dự phóng giảm 60% LNTT trong năm 2022
Về triển vọng 2022, PV Power cho biết EVN chưa giao kế hoạch cụ thể về sản lượng điện theo hợp đồng (Qc) cho các nhà máy.
Ngoài ra trong năm 2022, Nhà máy điện Cà Mau sẽ đại tu và trong năm 2022 cũng sẽ áp dụng giá hợp đồng PPA mới.
Với tình hình sự cố kỹ thuật tại Vũng Áng, hiện tại công ty đang đặt kế hoạch năm 2022 khá thấp với lợi nhuận trước thuế khoảng 865 tỷ đồng - giảm 60% so với ước thực hiện năm nay.
Thông tin cho biết, công tác thu hồi các khoản công nợ của PV Power đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ phí công suất từ tháng 2/2018 của Nhà máy điện Cà Mau đã được EVN/EPTC trả hết.
Ngoài ra, tính đến nay EVN/EPTC tiếp tục trả tiền điện đến tháng 7/2021 và giữ lại khoản phí công suất Nhà máy điện Cà Mau với số tiền là hơn 60 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Giang - Phó Tổng Giám đốc PV Power cho biết, với nguồn lực tài chính hiện tại, PV Power có khả năng không phải tăng vốn điều lệ trong năm tới. Nhưng trong trường hợp có nhiều cơ hội đầu tư như Phú Mỹ, Cà Mau 3, các dự án LNG mới hoặc dự án offshore điện gió thì PV Power sẽ có thể có phương án tăng vốn.
Ngày 14/5/2021 PV Power vừa được xếp hạng tín dụng BB+, tương đương hạng quốc gia và tương đương Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn điện lực. Đây là điểm tựa rất lớn để đàm phán vay vốn cũng như phát hành trái phiếu khi cần thiết.
Cổ phiếu quay đầu sau ngày lập đỉnh
Trên thị trường, cổ phiếu POW kể từ khi lên sàn không có nhiều đột biến giá khi mã đã tích luỹ loanh quanh ở nền giá 10.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu trong nhiều năm liền. Thậm chí khi xảy ra đại dịch COVID-19, giá POW đã lùi về sâu 8.x khiến nhà đầu tư mua khi mới lên sàn bị lỗ nặng. Thế nhưng, kể từ đầu tháng 12 đến nay, cổ phiếu POW đã bất ngờ tăng tới 35%.
POW tăng giá mạnh mẽ trong phiên 21/12 và chạm giá trần 19.500 đồng/cổ phiếu trong suốt phiên giao dịch. Song bất ngờ đã xảy ra ở phiên ATC khi đà bán quá mạnh hơn 2,2 triệu cổ phiếu đã khiến POW đã mất giá trần trong 15 phút cuối phiên. Kết phiên giao dịch, POW lùi về mốc 18.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản POW đạt 36,6 triệu đơn vị.
Dù không giữ được mức tăng trần nhưng POW vẫn tăng giá 35% kể từ đầu tháng 12. POW đã chính thức vượt đỉnh kể từ khi lên sàn.
Tuy nhiên, trong phiên 23/12, thị giá POW đã quay đầu giảm hơn 2% và tiếp tục giảm mạnh hơn 5% trong nửa đầu phiên sáng 24/12/2021 về mức 17.500 đồng cùng gần 33 triệu đơn vị được khớp lệnh (lúc 11h5).