Thị trường bất động sản hậu cần (logistics) Việt Nam được ví như thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư dù mới ở giai đầu phát triển.
Hai tác động của Covid
Tám tháng với 2 đợt dịch lây lan mạnh khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải liên tục đưa ra những phương án giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát dịch. Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của Công ty Tư vấn bất động sản Toàn Cầu Jones Lang Lasalle (JLL), sự lây lan của Covid-19 đã có những tác động đến chuỗi cung ứng và hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất: Nhà xưởng thiếu hụt lao động do sự hạn chế di chuyển; kết nối hậu gián đoạn trong việc phân phối sản phẩm vì hàng hóa buộc phải phân loại thành thiết yếu và không thiết yếu…
Bên cạnh đó, hệ thống logistics, chuỗi cung ứng và các kênh phân phối cũng chịu nhiều sức ép trong vấn đề làm thế nào để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đáp ứng các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo dịch vụ được vận hành hiệu quả.
Chưa kể, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thành nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao, trung bình khoảng 25% so với đầu năm, đặc biệt là giá thép trong nước tăng mạnh đã làm gián đoạn tiến độ của các công trình, khi các chủ đầu tư và nhà thầu phải tính toán lại phương án xây dựng để tránh dự án bị đội vốn.
“Điều này sẽ làm suy giảm nguồn cung bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê, với nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng mới khi giá thuê tăng lên”, bà Trang Bùi đánh giá.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, Covid-19 cũng đã mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thương mại điện tử. Với nền tảng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng sự phát triển mạnh của mạng internet và các thiết bị di động thông minh, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
“Có thể thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần và công nghiệp, bao gồm các dịch vụ kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất,” bà Trang Bùi nói.
Ông Steven Li, Trưởng Bộ phận Kế hoạch quốc tế, Công ty JD International Logistics Vietnam cho biết, năm 2018, doanh nghiệp này đã ký một thỏa thuận đăng ký mua cổ phần với tư cách là nhà đầu tư đồng dẫn đầu trong vòng tài trợ Series C của trang thương mại điện tử Tiki. Các đối tác đã và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm buôn bán, thương mại xuyên biên giới, hậu cần và thực hiện, công nghệ, tài chính...
“Việt Nam có tác động quan trọng đến hoạt động thị trường chung và sự phong phú thương mại của khu vực. Với việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng, JD International Logistics sẽ có một vị thế chiến lược hơn trên thị trường, giúp chúng tôi hiểu biết hơn về khách hàng địa phương, qua đó nắm bắt tốt hơn các cơ hội. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ hợp tác với ngày càng nhiều đối tác tại Việt Nam để cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến đẳng cấp thế giới cho khách hàng”, ông Steven Li nhấn mạnh.
Hoàn thiện hạ tầng kết nối để thúc đẩy logistics
Theo ông Paul Fisher, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, Việt Nam có định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình 3 vùng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuyên suốt đất nước. Vì thế, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng, xem xét kỹ lưỡng từng danh mục đầu tư trước khi triển khai rót vốn cho các dự án bất động sản hậu cần.
Dù vậy, sự bùng nổ về thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần đã và đang giúp thị trường logistics nói riêng và bất động sản công nghiệp nói chung tăng trưởng vững vàng hơn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
“So với các quốc gia trong khu vực, thị trường logistics Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu. Chúng tôi nhận thấy một số khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc phát triển các cơ sở vật chất hiện đại. Với việc được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử và sản xuất, cùng với tiêu dùng nội địa ngày càng tăng, chúng tôi tin rằng, thị trường logistics Việt Nam sẽ có những bước tiến lớn như những thị trường phát triển trong khu vực”, ông Paul Fisher nói.
Đặc biệt, xu hướng này được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới khi Việt Nam chuyển từ trung tâm sản xuất sang trung tâm tiêu thụ, với hậu cần là nền tảng chính. Vì thế, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, theo JLL, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng phát triển đồng thời hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, bao gồm cả năng lượng tái tạo.
Ông Remco Enders, Giám đốc điều hành DSV Logistics cho biết, Công ty hiện có mặt tại tất cả các điểm nóng về logistics trên khắp Việt Nam và đặt mục tiêu cải thiện hơn nữa chất lượng các dịch vụ logistics để mang lại sự khác biệt cũng như gia tăng vị thế trên thị trường.
“Các kho bãi của DSV có vị trí thuận lợi cho dịch vụ hậu cần công nghiệp và phân phối nội địa với hệ thống xe tải DSV, trong khi địa điểm trung tâm hiện tại của chúng tôi chuyên về hàng tiêu dùng và thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ giao hàng ngay lập tức bằng xe máy”, ông Remco Enders nói và chia sẻ thêm, kết hợp kinh nghiệm từ Đồng Nai với các hoạt động tại Bình Dương và TP.HCM, mẫu số chung trong danh mục mở rộng dự án là phải kết nối thuận tiện từ nhà máy đến cảng, từ nhà kho đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng.
Đánh giá tiềm năng thị trường, các chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam mới trong giai đoạn đầu liên kết chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ thống hạ tầng, nên cần có chiến lược bài bản và nguồn nhân lực chất lượng hơn để có thể hỗ trợ cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để khu vực tư nhân có thể triển khai các dự án cung cấp dịch vụ hậu cần và hỗ trợ”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nói và lưu ý thêm, thủ tục xuất nhập khẩu cũng là vấn đề cần xem xét, bởi việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông quan và xuất khẩu hàng hóa thuận lợi sẽ vừa giúp giảm chi phí, vừa tăng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.