Chỉ sau 10 tháng, Viglacera (VGC) ghi nhận khoản lãi trước thuế 1.640 tỷ đồng - vượt xa kế hoạch cả năm. Mảng bất động sản tiếp tục được kỳ vọng trong thời gian tới.
Báo cáo tình hình sản xuất 10 tháng 2023 của Tổng CTCP Viglacera (Mã VGC - HOSE) - doanh nghiệp thành viên nhà Gelex - mới đây cho biết, trong tháng 10/2023, mặc dù thị trường vật liệu xây dựng còn trầm lắng, VGC vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 110% kế hoạch tháng; lũy kế 10 tháng đạt vượt 36% kế hoạch năm.
Được biết năm 2023, Viglacera đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất ở mức 1.210 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số ước tính sau 10 tháng là 1.640 tỷ.
Xuất khẩu là điểm nhấn của mảng kinh doanh vật liệu xây dựng với giá trị tăng 56% so với cùng kỳ 10 tháng năm 2022 trong bối cảnh nhóm gạch ốp lát và kính có mức tăng trưởng cao.
Mới đây, Viglacera đã sản xuất thành công những mét vuông kính siêu trắng (ultra clear glass) đầu tiên tại Việt Nam, loại kính trong suốt với khả năng truyền sáng tối đa tại mọi độ dày sản phẩm. Đây cũng là vật liệu mới có tiềm năng phát triển lớn, đem lại lợi ích lâu dài trong tương lai cho cả ngành xây dựng và năng lượng tái tạo.
Với sự kiện này, Viglacera ghi dấu là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có khả năng sản xuất kính siêu trắng, được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trong quý cuối năm, Viglacera tập trung đẩy mạnh kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản trong đó, ở lĩnh vực bất động sản sẽ phát triển, mở rộng quy mô các khu công nghiệp tại các địa phương có lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông, nguồn điện và chính sách đầu tư,…
Kết quả kinh doanh của Viglacera kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024 với động lực chính là mảng bất động sản. Với 12 khu công nghiệp đang sở hữu và vận hành, Viglacera hiện là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất tại miền Bắc.
Trên thị trường chứng khoán, sự hiện diện của các giao dịch tiền lớn giúp cổ phiếu VGC có nhịp hồi mạnh 31% từ đầu tháng 11 tới nay. Tại thời điểm 10h45 phiên 30/11, mã tăng 4,9% lên mức 55.400 đồng/cp; khớp lệnh 1,7 triệu đơn vị - cao gấp 1,7 lần trung bình 20 phiên.
Sau 1 năm, cổ phiếu VGC đã tăng gấp đôi giá trị và có xu hướng áp sát đỉnh lịch sử 65.7x (giá cũ tháng 8/2022).
Xem thêm: 1 mã bất động sản KCN được khuyến nghị mua với tỷ suất sinh lời 2 chữ số
Giao dịch gần 700 tỷ đồng sắp được CII thực hiện có gì đáng chú ý?
Một cổ phiếu xây dựng tăng trần 7 phiên liên tiếp trước ngày đấu giá trọn lô cổ phần của SCIC