Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng tăng 20% trong tháng 8
Nửa đầu năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Trong báo cáo khuyến nghị mới đây của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được kỳ vọng là một trong những lựa chọn hàng đầu cho danh mục đầu tư tiềm năng trong tháng 8.
Tập đoàn Hòa Phát hiện là một trong hai doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng sản xuất HRC |
Tiêu chí được Agriseco xét tới dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt, định giá hợp lý và thuộc ngành hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế (với nhóm thép là câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công).
So với mức giá đóng cửa phiên 1/8 là 26.700 đồng, cổ phiếu HPG được kỳ vọng tăng 20% trong tháng 8, đóng cửa dự kiến tại ngưỡng 32.000 đồng/cp.
Xét về kết quả kinh doanh, trong quý II/2024, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu thuần 39.555 tỷ đồng - tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 3.320 tỷ đồng - tăng 129%. Đây cũng là mức lãi cao nhất của "vua thép" trong 8 quý trở lại đây.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đạt 70.408 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 26% và hơn 3 lần so với bán niên 2023.
Tương tự, trong báo cáo cập nhật, Chứng khoán Vietcap (VCI) đưa ra mức P/E dự phóng giai đoạn 2024-2025 của HPG lần lượt là 12,4x lần và 9,5x lần; giá mục tiêu đối là 35.450 đồng/cp - cao hơn khoảng 30% so với giá đóng phiên 2/8.
Thông tin đáng chú ý:
Ngày 30/7, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Danh sách các nhà sản xuất bị khiếu nại gồm Tập đoàn Hòa Phát và Thép Formosa Hà Tĩnh. Đây hiện là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có khả năng sản xuất HRC.
Ngược lại, ngày 26/7, Bộ Công Thương đã quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc, sau đơn kiện của Hòa Phát và Formosa.
Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Thời kỳ điều tra để xác định thiệt hại là từ ngày 1/7-30/6/2023.
>> KQKD ngành thép: HPG, NKG, HSG báo lãi lớn, doanh nghiệp nhỏ ngược chiều lỗ ‘thảm’