Doanh nghiệp

Đầu tư công 'đi lùi' trong 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính lên tiếng

Huy Hoàng 30/07/2024 11:11

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, điển hình là TP. HCM (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%) và Hải Dương (18,36%).

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 31/7/2024, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt 232.091 tỷ đồng, hoàn thành 32,22% tổng kế hoạch và 34,68% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.

Số liệu này cho thấy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 đang chậm lại so với cùng kỳ khoảng 3%, tỷ lệ này ở năm trước đạt 35,49% tổng kế hoạch và 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm vẫn xuất hiện những điểm sáng trong công tác giải ngân. Cụ thể, 11/44 Bộ, cơ quan Trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số đơn vị tiêu biểu với tỷ lệ giải ngân cao gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (53,95%), Bộ Giao thông Vận tải (50,83%), Bộ Xây dựng (47,91%), Thanh Hóa (58,45%), Hòa Bình (56,79%) và Long An (52,22%).

Những con số này phản ánh sự nỗ lực và hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành và địa phương này.

Đầu tư công 'đi lùi' trong 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính lên tiếng
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó thì có đến 33/44 Bộ, cơ quan Trung ương và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, một số Bộ và cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp hoặc thậm chí 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chưa phân bổ kế hoạch vốn; các đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp như Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%).

Một số địa phương cũng có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, điển hình là TP. HCM (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%).

Đáng chú ý, TP. HCM được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước, và TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không cao tại các địa phương này đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Lý giải về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vẫn là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách (Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...). Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân.

Bên cạnh đó còn có các vướng mắc của dự án trọng điểm giao thông như: vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

>>Xử lý một loạt nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam chậm tiến độ

Tỉnh duy nhất nằm ở Vùng Thủ đô nhưng không liền kề Thủ đô sẽ giữ 27.000 tỷ đồng làm ‘của để dành’ cho vốn đầu tư công năm 2025

Hải Dương 'cất dành' gần 27.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2025

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dau-tu-cong-di-lui-trong-7-thang-dau-nam-bo-tai-chinh-len-tieng-243668.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đầu tư công 'đi lùi' trong 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính lên tiếng
POWERED BY ONECMS & INTECH