HQC (Địa ốc Hoàng Quân) được biết đến là một trong 3 cổ phiếu có tổng lượng giao dịch lớn nhất thị trường chứng khoán năm 2022 sau STB và HPG. Đây cũng là 3 cổ phiếu để lại nhiều "nỗi đau" cho hàng vạn cổ đông trong năm vừa qua.
Đang tăng... thì đứt dây đàn...
Phiên 11/5/2023, cổ phiếu HQC tăng kịch trần lên mức 4.900 đồng - giá cũ hồi cuối tháng 8/2022. Tính từ thời điểm rơi về mức 1.500 đồng (phiên 16/11/2022), mã thậm chí đã tăng 227% giá trị.
Cùng với đà hồi phục, thanh khoản cổ phiếu Hoàng Quân cũng cải thiện mạnh từ nửa cuối tháng 3/2023 trở lại đây với trung bình từ 10 - 30 triệu cổ phiếu, cá biệt có phiên khớp hơn 50 triệu đơn vị.
Diễn biến này là tương đối phù hợp - nhất là khi soi vào lời khẳng định của lãnh đạo công ty tại ĐHCĐ thường niên 2023 mới đây.
Cụ thể tại Đại hội, một cổ đông đã chất vấn: "HĐQT có nghĩ giá cổ phiếu có thể trở lại mệnh giá trong tương lai không; nếu có thì là bao lâu?".
Phúc đáp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT chia sẻ: "Nếu chúng ta có gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ có dòng tiền mạnh. Chậm nhất quý 3/2023 các dòng tiền sẽ đổ về và giá cổ phiếu sẽ tăng từ đây đến năm 2024".
Có thể thấy, những thông tin về gói tín dụng nhà ở xã hội được cho là động lực giúp cổ phiếu Địa ốc Hoàng Quân hồi phục trong thời gian qua bất chấp những thông tin kinh doanh không mấy tích cực trong quý 1/2023.
Minh chứng dễ thấy nhất chính là kế hoạch doanh thu 1.700 tỷ đồng cho năm 2023 - gấp 5 lần cùng kỳ và lợi nhuận ròng 140 tỷ - gấp hơn 7 lần kết quả năm 2022.
Ngước nhìn lên từ vùng giá thấp cách đây nửa năm, có thể khẳng định HQC là một trong những cổ phiếu penny tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, ngay giữa nhịp thăng hoa này, tin không vui đã xuất hiện.
Đang trần... lại có vài ngàn "nỗi đau"
Ngày 12/5, trong bối cảnh cổ phiếu HQC có thời điểm tăng vượt mức 5.100 đồng, Địa ốc Hoàng Quân ngay lập tức thông tin về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và tổ chức có liên quan.
Cụ thể, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Diệu Phương - vợ Chủ tịch Trương Anh Tuấn đăng ký bán toàn bộ hơn 18 triệu cổ phiếu HQC đang nắm giữ (tỷ lệ 3,82% vốn) theo phương thức khớp lệnh/thoả thuận từ ngày 15/5 - 11/6. Cùng thời gian, CTCP Việt Kiến Trúc - tổ chức liên quan đến Thành viên HĐQT Lý Quang Minh đăng ký bán hơn 1,45 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,31% vốn).
Ngay lập tức, cổ phiếu HQC quay đầu giảm và kết phiên còn 4.870 đồng.
Tạm chiếu theo mức giá này, phu nhân chủ tịch và CTCP Việt Kiến Trúc có thể thu về lần lượt 87 tỷ và 7 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.
Sang phiên 15/5, áp lực bán tiếp tục gia tăng kéo cổ phiếu HQC giảm thêm 5,1% về 4.620 đồng; thanh khoản đến cuối phiên đạt 31,7 triệu đơn vị. Cùng với PSH và TNC, cổ phiếu Hoàng Quân trở thành 1 trong 3 mã giảm mạnh nhất sàn HOSE phiên này.
Được biết lần gần nhất bà Nguyễn Thị Diệu Phương thực hiện giao dịch đối với cổ phiếu HQC đã từ năm 2016. Cụ thể ngày 27/5/2016, vị nữ lãnh đạo mua thành công 1 triệu cổ phiếu HQC; tới ngày 11/11 cùng năm tiếp tục mua thêm 3 triệu cổ phiếu qua đó nâng tỷ lệ lên mức hiện tại.
Tại các thời điểm giao dịch trên, giá cổ phiếu HQC lần lượt giao dịch ở mức 5.400 đồng và 4.850 đồng. Xa hơn - nửa cuối năm 2011, bà Phương đã có ít nhất 6 lần thực hiện mua vào cổ phiếu HQC với tổng khối lượng khoảng 3,1 triệu đơn vị. Thời điểm này, cổ phiếu HQC lao dốc từ vùng giá 15.x về còn dưới 3.000 đồng thị giá.
Khi doanh nghiệp không cổ đông lớn... lời hứa còn sức nặng?
HQC được biết đến là một trong 3 cổ phiếu có tổng lượng giao dịch lớn nhất thị trường chứng khoán năm 2022 sau STB và HPG.
Trước khi xuất hiện nhịp thăng hoa nửa cuối 2021 đầu năm 2022 kéo cổ phiếu hồi mệnh giá 10.000 đồng, HQC đã có 10 năm liên tiếp giao dịch dưới mệnh giá. Với 476,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường cùng tỷ lệ free float cao, không khó giải thích vì sao Hoàng Quân lại trở thành tâm điểm của dòng tiền đầu cơ trên thị trường chứng khoán bất chấp những thông tin kinh doanh không mấy sáng sủa.
Dù không công bố quân số nhà đầu tư đang tham gia góp vốn song chỉ nhìn vào số lượng dự họp trực tuyến ĐHCĐ thường niên 2023 mới đây (3.204 cổ đông), có thể mường tượng số nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu HQC có thể lên tới ngưỡng vài vạn.
Dù vậy, nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông hiện tại, Hoàng Quân đang không có lấy một cổ đông lớn - những người gắn trực tiếp quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của bản thân vào việc phát triển công ty, đảm bảo quyền lợi của cá nhân cũng như cổ đông tham gia góp vốn.
Trước mắt, bà Diệu Phương đang là cổ đông lớn nhất song tỷ lệ sở hữu cũng chỉ 3,82%. Trong khi đó, Chủ tịch Trương Anh Tuấn, các em trai và con ông Tuấn (Thành viên HĐQT Trương Thái Sơn, Trương Đức Hiếu và Trương Nguyễn Song Vân) cũng chỉ sở hữu lượng cổ phiếu rất nhỏ so với quy mô cổ phiếu lưu hành.
Từng được một số tổ chức ngoại tham gia góp vốn như Mutual Fund Elite hay "cá mập" PYN Elite Fund, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các nhóm này đã lần lượt dời đi.
Cổ đông HQC chờ đợi gì ở những lời cam kết phát đi từ phía lãnh đạo công ty? Bao giờ cổ phiếu HQC hồi trở lại mệnh giá khi chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng xả bán tất tay?
Cấn nhấn mạnh rằng, mục tiêu “đưa HQC về mệnh giá” mà ông Trương Anh Tuấn chia sẻ mới đây cũng là những gì cổ đông được nghe tại ĐHCĐ thường niên các năm 2018, 2020. Thực tế ra sao có lẽ ai cũng biết... Và đến thời điểm hiện tại, chiếc thuyền ấy vẫn ở ngoài xa.
Câu chuyện đáng suy nghĩ lúc này là tại sao trước khi lãnh đạo công ty thoái vốn, cổ phiếu HQC lại tăng trần khiến không ít nhà đầu tư mua hớ?
Bỏ qua kết quả kinh doanh quý 1/2023 với vỏn vẹn 39 tỷ doanh thu và 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, một kết quả kinh doanh đột biến trong quý 2 tới có lẽ sẽ là điều được hàng vạn cổ đông HQC đón đợi và kỳ vọng?!