Dù giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines miệt mài lao dốc suốt 4 năm qua song tại thời điểm cuối năm 2023, HVN vẫn ghi nhận tới hơn 40.000 cổ đông.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo quyết định đưa cổ phiếu HVN của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12 do đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 16/12 (khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo).
Trước đó, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4. Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định.
Mặc dù vậy, việc ra khỏi diện cảnh báo vẫn là chưa đủ giúp hơn 40.200 cổ đông HVN bớt lo lắng.
Được biết cổ phiếu HVN vẫn đang trong diện hạn chế giao dịch từ 12/7/2023 (chỉ được giao dịch trong các phiên chiều). Kết phiên 22/12, HVN còn giá 11.000 đồng/cp, giảm 21% so với mức 13.900 đồng/cp hồi đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu HVN 5 năm gần nhất |
Dù ghi nhận hơn 2,2 tỷ cổ phiếu lưu hành trên sàn HoSE song lượng thanh khoản trung bình phiên của HVN hiện rất thấp (chỉ hơn 320.000 đơn vị) do diện hạn chế giao dịch, cắt margin và tình trạng kinh doanh thua lỗ.
Tại ĐHCĐ mới đây, một số ý kiến đặt câu hỏi về việc "Vietnam Airlines đã thua lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, liệu cổ phiếu HVN có bị hủy niêm yết?".
Trả lời, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết, tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động lớn đến kinh tế toàn cầu và hàng không, đây là tình huống rất khách quan.
"Tôi tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trên một cách khách quan, cẩn trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán", ông Hiền nói.
Năm 2023 sắp kết thúc và thị trường chuẩn bị chờ đón mùa công bố báo cáo tài chính quý cuối cùng trong năm.
>> Vietnam Airlines (HVN) lỗ quý thứ 15 liên tiếp, có gần 3.900 tỷ tiền nhàn rỗi
Trước đó sau 9 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 68.089 tỷ đồng - tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2022. Do gánh nặng chi phí hoạt động nên doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 3.329 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 7.574 tỷ).
Sức khỏe tài chính của HVN 4 năm gần nhất |
Theo đó, tại Đại hội vừa kết thúc, HVN đặt mục tiêu doanh thu cả năm tăng 28% YoY lên mức 91.810 tỷ đồng; dự kiến lỗ hơn 6.000 tỷ. Trước đó trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.
Tính đến 30/9, tổng tài sản hãng bay quốc gia đạt 60.328 tỷ đồng trong đó tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ở mức 3.858 tỷ đồng; nợ phải trả ghi nhận 74.279 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính là 28.588 tỷ đồng; lỗ lũy kế gần 38.000 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 13.951 tỷ.
>> Vietnam Airlines (HVN) thông tin về kế hoạch chia cổ tức cho 40.200 cổ đông
Vietnam Airlines đại hội cổ đông, đặt mục tiêu cân đối thu - chi từ năm 2024
Vietnam Airlines hy vọng cổ phiếu vẫn trên sàn, lên kế hoạch thoát lỗ từ 2024