Vietnam Airlines (HVN) lỗ quý thứ 15 liên tiếp, có gần 3.900 tỷ tiền nhàn rỗi

01-11-2023 03:03|Yên Hoàng

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tính đến cuối quý 3/2023 âm 13.951 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu đạt 23.753 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất đạt được trong một quý.

Giá vốn hàng bán trong kỳ của Vietnam Airlines tăng ít hơn với tỷ lệ 6,4% lên mức 22.329 tỷ đồng, kết quả HVN ghi nhận lợi nhuận gộp tăng gấp 7,5 lần lên mức 1.240 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính trong kỳ giảm nhẹ xuống còn 176,5 tỷ đồng. Các khoản chi phí tài chính, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm gần 2.360 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 2.495 tỷ.

Trong kỳ Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác 228 tỷ đồng trong khi quý 3/2022 ghi nhận lãi khác hơn 23 tỷ đồng. Được biết trong quý 3/2023 HVN ghi nhận thêm khoản thu từ hoạt động bán cho thuê lại máy bay 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản thu này.

Kết quả, Vietnam Airlines báo lợi nhuận sau thuế âm 2.203 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 2.547 tỷ, đây là quý thứ 15 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế.

Vietnam Airlines (HVN) lỗ quý thứ 15 liên tiếp, có gần 3.900 tỷ tiền nhàn rỗi

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 68.089 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ 2022. Do gánh nặng chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên HVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 3.329 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 7.574 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản Vietnam Airlines ghi nhận 60.328 tỷ đồng, trong đó tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi 3.858 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 42% so với đầu năm lên mức 4.083 tỷ đồng.

Nợ phải trả tính đến cuối quý 3 ghi nhận 74.279 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính là 28.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 13.951 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hiện đang ở trong diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Nguyên nhân do Vietnam Airlines hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Trong văn bản trả lời HOSE hồi tháng 8/2023 về việc chậm công bố báo cáo tài chính, Vietnam Airlines từng dự kiến sẽ công bố trong tháng 8 và muộn nhất là trong tháng 9/2023. Tuy nhiên, các mốc thời hạn này đều đã trôi qua.

Nguyên nhân khiến Vietnam Airlines chậm công bố các tài liệu là do giai đoạn vừa qua đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn Covid-19, Vietnam Airlines đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hóa, giãn hoãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng, nên cần thêm thời gian để đối chiếu, xác nhận công nợ.

Nếu lợi nhuận trên báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của Vietnam Airlines tiếp tục âm, công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HOSE.

Vietnam Airlines tung vé đồng giá 666.000 đồng phục vụ Tết Nguyên đán 2024

Vietnam Airlines tung vé đồng giá 666.000 đồng phục vụ Tết Nguyên đán 2024

Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục dời ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên do... lãnh đạo "bận"

Vietnam Airlines (HVN) có thể lỗ hơn 4.500 tỷ trong năm 2023

Bài thuộc chủ đề Kết quả kinh doanh quý 3/2023
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vietnam-airlines-hvn-lo-quy-thu-15-lien-tiep-co-gan-3900-ty-tien-nhan-roi-208612.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vietnam Airlines (HVN) lỗ quý thứ 15 liên tiếp, có gần 3.900 tỷ tiền nhàn rỗi
POWERED BY ONECMS & INTECH