Tuy xác nhận vốn chủ sở hữu là số dương song kiểm toán viên đã chỉ ra loạt vấn đề nghiêm trọng tại Vietnam Airlines như: Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng; khoản phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HOSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 với khoản lỗ sau thuế trong kỳ là 13.279 tỷ đồng - giảm nhẹ so với số lỗ 13.338 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2021 cũng giảm từ 21.979 tỷ xuống còn 21.961 tỷ đồng - nhỏ hơn với vốn điều lệ (22.144 tỷ đồng).
Như vậy, với tiêu chí này, cổ phiếu HVN đã thoát án hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE khi theo Trích Điều 120 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP, một trong những điều kiện để hủy niêm yết bắt buộc đối với một mã cổ phiếu có nêu: "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Tuy xác nhận vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là số dương nhưng kiểm toán viên cũng chỉ ra loạt vấn đề nghiêm trọng về tình hình tài chính của tổng công ty như: Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng; khoản phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ đồng.
“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, kiểm toán lưu ý.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất 2.686 tỷ đồng qua đó có quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp khiến lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 đã vượt quy mô vốn điều lệ trong khi vốn chủ sở hữu đã chuyển âm.
Kết phiên 26/5/2022, giá cổ phiếu HVN đứng mức 17.850 đồng - 23% so với thời điểm đầu năm 2022.