Cổ phiếu lớn - nạn nhân của tin đồn và tin tặc: Có gì sau những con số ở ACB, EIB, VND...
Thị trường chứng khoán đối mặt với những “kẻ thù vô hình” như tin đồn và tin tặc, khiến nhiều doanh nghiệp và cổ phiếu lớn bị ảnh hưởng nặng nề. Không riêng ACB mới đây, TCH, GEX, EIB... cũng là "nạn nhân" trong những thủ pháp tương tự.
Diễn biến nhóm cổ phiếu sàn HoSE trong một biến cố thị trường trong quá khứ |
ACB: Tổn thất từ tin đồn "lãnh đạo đánh bạc"
Ngày 6/1/2025, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu giảm 1,2%, mất gần 1.340 tỷ đồng vốn hóa, còn lại 110.773 tỷ đồng. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi xuất hiện tin đồn cáo buộc lãnh đạo ACB có liên quan đến các hành vi sai phạm như đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài.
ACB nhanh chóng bác bỏ thông tin và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ tin đồn đã gây tổn hại không nhỏ đến niềm tin nhà đầu tư, khiến cổ phiếu giảm mạnh trong ngắn hạn.
Eximbank: Đợt sóng tâm lý từ tin đồn "hệ thống sụp đổ"
Giữa tháng 10/2024, tin đồn về rủi ro nghiêm trọng tại Eximbank (EIB) lan truyền, gây ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu ngân hàng này. Phiên 14/10, gần 42,7 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch, với thanh khoản cao nhất trong gần 2 năm trong khi khối ngoại bán ròng hơn 97 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu EIB |
Eximbank đã nhanh chóng phủ nhận tin đồn, tuy nhiên, sự kiện đã khiến vốn hóa và giá trị giao dịch của cổ phiếu biến động mạnh trong thời gian ngắn. Những tháng sau đó, thanh khoản khớp lệnh ở cổ phiếu EIB giảm mạnh. Trái chiều, các động thái giao dịch thỏa thuận lớn liên tiếp xuất hiện, nhiều phiên sang tay 20-50 triệu đơn vị.
Gelex: Vốn hóa “bốc hơi” 2.600 tỷ đồng vì tin đồn
CTCP Tập đoàn Gelex (GEX), cổ đông sở hữu 10% vốn tại Eximbank, cũng trở thành tâm điểm của các tin đồn. Ngày 14/11/2024, cổ phiếu GEX giảm 4,21%, khối lượng giao dịch vượt 12 triệu đơn vị, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi công bố thông tin liên quan đến Eximbank.
Tính từ tháng 8/2024, giá cổ phiếu GEX giảm 17,8%, vốn hóa mất hơn 2.600 tỷ đồng. Dù Gelex đã phát thông cáo phản đối, những tin đồn không kiểm chứng vẫn gây tổn hại đáng kể đến tập đoàn sản xuất quan trọng này.
Tài chính Hoàng Huy: 'Cú giật' sau tin đồn thanh tra
Trong phiên 8/8/2024, cổ phiếu TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy giảm mạnh về 16.600 đồng, khiến vốn hóa công ty “bốc hơi” khoảng 1.000 tỷ đồng. Tin đồn về việc bị điều tra giao dịch giai đoạn 2021-2022 lan truyền trong các hội nhóm đầu tư đã làm dấy lên làn sóng bán tháo, kéo theo cả cổ phiếu liên quan HHS giảm gần 7%.
Tin đồn bất lợi diễn ra ngay cả khi tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp Hoàng Huy Group tương đối tích cực, đặc biệt là cơ cấu tài chính lành mạnh, hàng bán tốt và ít nợ vay.
VNDirect: Hậu quả từ tấn công tin tặc
Không phải tin đồn, VNDirect – một trong những công ty chứng khoán hàng đầu – đã phải đối mặt với cuộc tấn công mạng nghiêm trọng ngay cuối quý I/2024. Hệ thống bị gián đoạn trong hơn một tuần, gây hoang mang cho nhà đầu tư và làm giảm thị phần của công ty ngay sau đó.
Diễn biến giá cổ phiếu VND |
Từ thời điểm sự cố đến nay, cổ phiếu VND giảm hơn 43%, về mức 11.950 đồng – thấp nhất trong 22 tháng. Sự kiện này nhấn mạnh mức độ rủi ro của các cuộc tấn công mạng trong ngành tài chính.
Hồi chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp và nhà đầu tư
Những câu chuyện trên không chỉ cho thấy sức ảnh hưởng của tin đồn và tin tặc đến giá trị cổ phiếu mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của minh bạch thông tin và an ninh mạng. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo, tránh bị cuốn theo những thông tin chưa được xác thực để bảo vệ tài sản của mình.
>> Ngành thép khởi sắc: Ông lớn đầu tiên báo lãi 2024 vượt xa kế hoạch
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy và bên liên quan sở hữu khối cổ phiếu trị giá 9.700 tỷ đồng
Công an TP. HCM nói gì về tin đồn 'lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài'?