Cổ phiếu PTL xuất hiện "game" tăng giá, thận trọng bẫy Bull Trap

22-06-2023 17:01|Đức Hậu

Cùng một kế hoạch tăng vốn nghìn tỷ, cổ phiếu PTL của CTCP Victory Capital đã tăng tới 87% chỉ trong tháng 8/2022. Tới đây, kịch bản này hoàn toàn có thể lặp lại?

Cổ phiếu PTL xuất hiện
Nhóm cựu lãnh đạo CTCP Victory Capital trước vành móng ngựa cuối năm 2020

Từng có giá gần 19.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2021, nhịp điều chỉnh 20 tháng qua đã kéo cổ phiếu PTL của CTCP Victory Capital về mức 4.510 đồng - giảm 76%.

Lên sàn ngày 22/9/2010 với khối lượng niêm yết 100 triệu cổ phiếu (vốn hóa 2.000 tỷ đồng), đến thời điểm hiện tại, vốn hóa công ty còn chưa đầy 450 tỷ.

Chỉ 3 tháng sau ngày đánh cồng, cổ phiếu PTL lao nhanh về dưới mệnh giá và giao dịch dưới mốc 10.000 đồng trong gần 11 năm sau đó (trước khi tăng mạnh trong nửa đầu quý 4/2021).

Cổ phiếu PTL hiện đang giao dịch ở vùng đáy lớn quanh ngưỡng 4.000 - 5.000 đồng/cp. Từ cuối tháng 5/2023 tới nay, mã đã tăng 30% lên mức 4.510 đồng phiên 22/6. Mức tăng thậm chí có thể cao hơn khi trong phiên 14/6, cổ phiếu PTL từng chạm mức 5.050 đồng trước khi lao dốc.

Ngày 21/6, CTCP Victory Capital đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu (giá 10.000 đồng/cp) nâng vốn điều lệ lên gấp đôi - mức 2.000 tỷ đồng. Thông tin phát đi như liều doping giúp đà giảm giá bị chặn lại.

Kế hoạch tăng vốn dự kiến triển khai trong quý 3 hoặc quý 4/2023 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu sau phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Với số tiền huy động được, Victory Capital dự kiến tăng vốn cho công ty con là CTCP Đầu tư Bất động sản Tiến Phát Đạt từ 50 tỷ lên 750 tỷ đồng; góp thêm 250 tỷ đồng vào công ty con Đầu tư Bất động sản Phúc Khang Gia (vốn ban đầu là 50 tỷ đồng). Mục đích góp vốn phục vụ hoạt động đầu tư mở rộng quỹ đất.

Theo ghi nhận, danh sách nhà đầu tư dự kiến mua vào chỉ có duy nhất bà Trần Thị Hường đang nắm giữ cổ phiếu PTL trước chào bán. Còn lại, CTCP Grand House, CTCP KoKo Capital, ông Lê Thế Tình và ông Trần Ngọc Minh Trí đều không sở hữu cổ phiếu nào.

Cổ phiếu PTL xuất hiện
Danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt phát hành của PTL

Victory Capital - diện mạo mới nhưng cổ phiếu không mới

Theo tìm hiểu, CTCP Victory Capital là diện mạo mới sau khi đổi tên từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) hồi tháng 3/2022. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng hiện đang hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản.

Cổ phiếu PTL xuất hiện

Sau 2 năm đầu niêm yết, PTL ghi nhận mức đỉnh kinh doanh năm 2011 với 747 tỷ đồng doanh thu và 126 tỷ lãi ròng. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận suốt 1 thập niên sau đó lại là bi kịch.

Kết năm 2022, sự gia tăng bất thường của các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến Victory Capital báo lỗ sau thuế 117 tỷ - mức cao nhất 9 năm.

Sang năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 579 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 54,6 tỷ. Cùng với đó là kế hoạch tăng vốn lên mức 2.000 tỷ đồng.

Dù vậy, kết thúc quý đầu năm, khoản lỗ 220 triệu đồng tiếp tục khiến chuỗi kinh doanh bết bát của công ty kéo dài sang quý thứ 5.

Cần nhấn mạnh rằng, Petroland đã nhiều năm thất hứa với cổ đông trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh. Trong khi đó, câu chuyện tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng cũng từng được doanh nghiệp đề cập hồi tháng 8/2022 với thời gian triển khai dự kiến trong quý 3 và quý 4/2022.

Các kế hoạch sử dụng vốn gần như không thay đổi trong khi danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 2 tổ chức và 4 cá nhân. Cụ thể, CTCP Grand House mua 30 triệu cổ phiếu (chiếm 15% vốn điều lệ); bà Trần Thị Hường đăng ký mua thêm 23,5 triệu cổ phiếu; nhà đầu tư Lê Thế Tình đăng ký mua 22,5 triệu cổ phiếu; CTCP KoKo Capital đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu;...

Người cũ đã rút lui, người mới vẫn chưa thể tiếp quản

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu PTL tăng tới 87% lên mức 8.400 đồng/cp chỉ sau 1 tháng. Tuy nhiên, "xong xuôi tất cả lại về", mã nhanh chóng giảm 65% về dưới 3.000 đồng (giữa tháng 11/2022).

Cổ phiếu PTL xuất hiện

Gần 1 năm sau khi kế hoạch tăng vốn được phát đi, đến thời điểm hiện tại, những nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa thể tiếp quản ghế cổ đông lớn tại CTCP Victory Capital. Kế hoạch tái cấu trúc bộ máy vẫn ngổn ngang và mơ hồ khi mức giá hiện tại của cổ phiếu PTL vẫn thấp hơn 55% giá chào bán dự kiến.

Trước đó năm 2021, Victory Capital từng thông báo về chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu tự nguyện. Ngay sau khi tờ trình này được công bố, 2 cổ đông lớn nhất của PTL lúc đó là CTCP Dịch vụ và Đầu tư BĐS Ngôi sao Phương Nam và Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Mã PVX) đã thoái sạch vốn trong tháng 12/2021.

Tuy nhiên, HĐQT PTL bất ngờ "quay xe" thông báo không hủy niêm yết cổ phiếu đồng thời đề ra chiến lược nâng vốn hóa công ty lên mức 10.000 tỷ đồng cùng với việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu (tháng 3/2022 đổi tên từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) thành CTCP Victory Capital).

Ngày 22/12/2020, TAND TP. HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án Bùi Minh Chính - Cựu Chủ tịch HĐQT Petroland cùng đồng phạm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo đó, từ năm 2012 – 2017, những người này đã bàn bạc, làm trái quy định của pháp luật, lập khống 17 hợp đồng và 1 phụ lục hợp đồng dịch vụ môi giới, tư vấn, chi tiền, gây thiệt hại cho Petroland 50,6 tỷ đồng.

Trở lại với câu chuyện giá cổ phiếu PTL, sau 8 tháng rút lui, dòng tiền tạo lập đã quay trở lại. Phiên tăng trần ngày 22/6 là một ví dụ cho thấy vai trò của nhóm nhà đầu tư này.

Victory Capital (PTL) thay Tổng Giám đốc lần thứ 5, hoãn kế hoạch tăng vốn nghìn tỷ

Một cổ phiếu bất động sản giảm gần 40% sau 1 tháng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-ptl-xuat-hien-game-tang-gia-than-trong-bay-bull-trap-188888.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu PTL xuất hiện "game" tăng giá, thận trọng bẫy Bull Trap
    POWERED BY ONECMS & INTECH