Cổ phiếu TPB của TPBank giảm sàn chỉ sau 15 phút ATC sau khi xuất hiện lệnh bán lớn gần 290.000 đơn vị tại mức giá sàn. Trong 15 phút này, mã từ giảm 3,4% bị đẩy lên mức giảm 6,9%
Những tưởng thị trường sẽ có thêm một phiên đỏ lửa khi nhóm cổ phiếu lớn rổ VN30 giảm mạnh đã lan rộng ra thị trường, đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.010 điểm khi giảm tới hơn 20 điểm sau khoảng gần 2 giờ mở cửa nhưng lực cầu tăng mạnh kể từ nửa cuối phiên sáng đã giúp nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đảo chiều hồi tích cực; VN-Index vì thế cũng ngắt được chuỗi 2 phiên giảm điểm mạnh từ ngày 6/10 và kết phiên tăng hơn 6 điểm lên mức 1.042 điểm.
Về cuối phiên, nhóm cổ phiếu bất động sản từ mức giảm hơn 2% đã hồi về trạng thái cân bằng khi trụ VIC và VHM đổi màu lên tham chiếu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn giảm 0,67% khi kết phiên với CTG, BID, MBB tăng khá tốt. Ngược lại, TCB, HDB, SHB, VCB giảm mạnh trên 2% trong đó TCB thậm chí giảm tới 5,3%. Cá biệt, cổ phiếu TPB của Ngân hàng Tiên Phong giảm sàn về mức 20.800 đồng. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của mã này từ ngày 7/10.
Đáng nói, cổ phiếu TPB giảm sàn chỉ sau 15 phút ATC sau khi xuất hiện lệnh bán lớn gần 290.000 đơn vị tại mức giá sàn. Trong 15 phút này, mã từ giảm 3,4% bị đẩy lên mức giảm 6,9% qua đó lấy đi của VN-Index 0,29 điểm. Đây cũng là 1 trong 6 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index phiên này bên cạnh VCB, NVL, TCB, VJC.
Diễn biến giá cổ phiếu TPB
Tuần giao dịch từ 3 - 7/10, cổ phiếu TPB giảm 10,6%. Nếu tính cả phiên hôm nay, mã đã mất gần 17% thị giá. Rộng hơn từ phiên bắt đầu chuỗi giảm điểm ngày 25/8 (mốc 28.800 đồng), cổ phiếu TPB đã giảm gần 28%.
Với chuỗi giảm điểm này, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT TPB - Đỗ Minh Phú (bao gồm cả CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI) - bị thổi bay hơn 1.510 tỷ đồng tài sản và hiện còn 3.933 tỷ đồng (tương ứng hơn 189 triệu cổ phiếu).
Tính riêng phiên hôm nay, tài sản của nhóm này đã mất tới 293 tỷ đồng.
Lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng cục bộ
Ở một diễn biến khác, mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (Mã VPB) thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 6/10 với điều chỉnh tăng 0,3%/năm ở nhiều kì hạn.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng có sự điều chỉnh lãi suất áp dụng từ 7/10. Lãi suất tại kỳ hạn 1-3 tháng kịch trần ở mức 5%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tối đa ở mức 7,2%/năm, lãi suất tại kỳ hạn tháng niêm yết tối đa ở mức 7,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng
Sacombank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động áp dụng từ 6/10. Lãi suất có kỳ hạn truyền thống được điều chỉnh tăng 0,5-0,7%/năm. Tại các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất ở mức từ 6% trở lên, tại các kỳ hạn 12 - 36 tháng, lãi suất từ 7% trở lên. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng áp dụng cho tài khoản mở tại quầy là 7,5%/năm.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động cao tới 9% - 10% chỉ là cục bộ không xảy ra ở hầu hết ngân hàng.
"Các ngân hàng hiện đang vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, tất nhiên là thanh khoản không còn dồi dào như trước", ông Lực nói.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho biết, theo dự báo, Fed còn tăng 1,75 - 2,5% từ giờ đến quý I/2023 đồng nghĩa với việc sau đợt tăng lãi suất này, cơ quan điều hành Việt Nam sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp nữa những mức độ tăng, theo ông Báu, chỉ ở mức 1,5 - 2%.
Nói cách khác, lãi suất điều hành của Việt Nam sắp tới sẽ tăng nhưng mức độ tăng sẽ không quá mạnh vì giai đoạn tăng lãi suất mạnh nhất đã qua. Chính giai đoạn cuối quý III và đầu quý IV này mới là giai đoạn mà chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất tăng rất mạnh trên mọi mặt trận.
“Họ” Masterise nhìn từ 50.335 tỷ trái phiếu và "cú chốt deal" nhận Sài Gòn Bình An từ Vạn Thịnh Phát
Một cổ phiếu VN30 bị khối ngoại bán ròng gần 6.900 tỷ đồng
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh