Trong tuần giao dịch từ 4 - 7/1/2022, nhóm cổ phiếu xây dựng đã dậy sóng và ồ ạt tăng giá với 64/96 mã tăng trưởng so với tuần giao dịch trước.
Phản ứng tích cực này đến từ thông tin Chính phủ chính thức trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng trong đó riêng khoản chi cho đầu tư công là gần 114.000 tỷ đồng - chiếm 32,5% gói phục hồi.
Đến nay, đầu tư công vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành lực kéo mũi nhọn của kinh tế vĩ mô khi tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và xuất khẩu gặp phải nhiều rào cản. Do đó, trong giai đoạn 3 - 5 năm tới, đầu tư công sẽ được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng nhằm hỗ trợ khôi phục nền kinh tế.
Chính phủ phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công trong năm 2022
Một số công trình hạ tầng tiêu biểu trong giai đoạn hiện hành như 11 dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng; Sân bay Long Thành (336.063 tỷ đồng); cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (14.275 tỷ đồng); cao tốc TP. HCM - Mộc Bài (15.900 tỷ đồng)…
Trước đó, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85 - 95% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau. Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam…
“Với việc các hoạt động xây dựng sẽ được đảm bảo không bị gián đoạn trong giai đoạn bình thường mới, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của các công ty xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022 và trở lại mức trước đại dịch”, các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect kỳ vọng.
Có chung quan điểm, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest đánh giá, năm 2022, Việt Nam có thể có gói kích thích về tài khóa, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giúp nền kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã điểm tên một số cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng.
Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ được hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ. Nhóm dân dụng gồm CTD, HBC, HTN, VCG; nhóm công nghiệp, hạ tầng gồm VCG, HHV, CII, LCG, FCN, C47, TCD.
Hiện nay, FCN của CTCP Fecon là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng nền móng và công nghiệp nặng. Nhiều dự báo cho thấy mảng xây dựng của FCN sẽ hồi phục vào năm 2022 - 2023 nhờ dòng vốn đầu tư công và FDI mạnh mẽ. Các dự án nhà máy điện và phát triển cơ sở hạ tầng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục dự án xây dựng của FCN.
Trong khi đó, VCG của Vinaconex đang sở hữu quỹ đất gần 2.000 ha và mục tiêu gia tăng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025. Ông lớn này đang thực hiện các gói thầu Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, gói thầu XL-03 và XL-05; Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài…
Coteccons (CTD) và Tập đoàn Hòa Bình (HBC) đại diện nhóm xây dựng dân dụng đã ghi nhận tổng giá trị trúng thầu kể từ đầu năm 2021 lần lượt đạt 25.000 tỷ đồng và 16.054 tỷ đồng cho thấy tình hình kinh doanh khả quan trong năm 2022.