Đầu phiên giao dịch sáng 14/10/2021, các cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh và khiến VN-Index biến động hẹp quanh mốc tham chiếu trong đó các cổ phiếu như SHB, VIC, VJC, SAB, TPB, VNM... đều đang giảm giá và tạo áp lực đáng kể lên chỉ số. Ở chiều ngược lại, GAS, BVH, GVR, MBB, PLX... đóng vai trò trụ đỡ cho chỉ số chính VN-Index. GAS hiện tăng 0,8%, VIB tăng 1,8%, BVH tăng 0,3%.
Nhóm ngân hàng trên HOSE sáng nay phân hóa, nhưng đúng hơn là ít dao động. VCB, BID, VPB, MSB là những Large Cap đang giảm giá nhẹ, ngược lại với ACB, CTG hay MBB. Diễn biến hôm qua cho thấy nhóm ngân hàng luôn có sức tác động không nhỏ lên các chỉ số quan trọng của 2 sàn niêm yết, tuy nhiên sáng nay nhóm này dường như chưa thực sự xác định xu hướng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục gây chú ý ngay từ đầu phiên sáng nay. Trên sàn HOSE, có đến 27/50 mã nhóm này tăng giá ngay từ ATO. Là trụ đỡ chính cho VN-Index chiều qua, không ít cổ phiếu nhóm này tiếp tục mở cửa sáng nay một cách khá tích cực như DIG, NLG, LDG, QCG, SCR… Tuy nhiên lưu ý bộ ba cổ phiếu nhà Vin đã giảm giá ngay hoặc chỉ sau ATO vài phút.
Nhóm dầu khí nhà PVN cũng đang phủ rộng sắc xanh chỉ sau ATO vài phút. Trừ POW giảm giá (có thể liên quan đến kết quả KD quý 3), có không ít mã khác đang tăng giá trên 1% như GAS, BSR, CNG, PGS, PVG, PVB… 2 đại gia phân bón hôm qua tăng mạnh, thì sáng nay DCM tăng tiếp hơn 2%, còn DPM tăng khoảng 1%.
Lúc 9h30, các nhóm ngành cổ phiếu gồm xi măng, phân bón, dầu khí... đồng loạt tăng giá tốt.
HNX-Index duy trì mức tăng giá tốt nhờ lực đẩy từ các cổ phiếu như KSF, NVB, IDC, THD...
Tại thời điểm này, VN-Index giảm 1,66 điểm (-0,12%) xuống 1.390,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64 triệu cổ phiếu, trị giá 1.800 tỷ đồng. HNX-Index tăng 5,22 điểm (1,38%) lên 384,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,9 triệu cổ phiếu, trị giá 383 tỷ đồng. UpCOM-Index tăng 0,07 điểm (0,07%) lên 98,85 điểm.
Đến 9h35, các cổ phiếu phân bón tiếp tục duy trì được đà tăng tích cực. SFG tăng trần lên 15.850 đồng/cp. DCM tăng 2,4%, DDV tăng 2,1%, LAS tăng 1,5%. Tương tự, nhóm cổ phiếu săm lốp cũng đồng loạt tăng. CSM tăng 1,4%, SRC tăng 0,5%, DRC tăng 0,3%.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), tình hình sản xuất kinh doanh tập đoàn có thuận lợi từ sự trở lại mạnh mẽ của ngành công nghiệp và nông nghiệp tại nhiều nước trên thế giới và cả trong nước giúp ích cho việc tiêu thụ phân bón, lốp xe.
Các đơn vị có lãi tăng mạnh trong 9 tháng như Phân bón Miền Nam (HOSE: SFG) tăng 318,8%, Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) tăng 105,9%, Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) tăng 41,5%, Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) tăng 31,5%. Ngoài ra, Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) và DAP – Vinachem (UpCOM: DDV) sản xuất kinh doanh có lãi (9 tháng 2020 thua lỗ).
Trước đó, VN-Index điều chỉnh nhẹ trở lại sau 7 phiên tăng liên tiếp. Áp lực bán mạnh xuất hiện khi chỉ số này chạm mốc 1.400 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.424 tỷ đồng - giảm 21,6%.
Khối ngoại giao dịch tiêu cực khi bán ròng 512 tỷ đồng trên toàn thị trường trong đó HPG vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 150 tỷ đồng.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ nhanh chóng quay lại đà tăng trong phiên kế tiếp.
Với xu hướng tích lũy trong vùng 1.380 - 1.400 điểm tiếp tục, Chứng khoán BIDV (BSC) khuyến nghị nghị các nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và có thể cân nhắc chốt lãi 1 số cổ phiếu đã tăng giá tốt trong thời gian qua.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 13/10, Dow Jones giảm 0,53 điểm xuống 34.377,81 điểm; S&P 500 tăng 13,15 điểm lên 4.363,8 điểm; Nasdaq tăng 105,71 điểm lên 14571,64 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 13/10. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,16%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,32% còn Topix giảm 0,45%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,42% còn Shenzhen Component tăng 1,54%.
Chốt phiên 13/10, giá dầu Brent tương lai giảm 24 cent xuống 83,18 USD/thùng; giá dầu WTI tương lai giảm 20 cent xuống 80,44 USD/thùng. Giới phân tích nhận định một số nhà đầu tư có thể đã chốt lời sau khi dầu WTI lên cao nhất kể từ tháng 10/2014 trong 3 phiên trước đó.