Mặc dù doanh thu trong quý II/2023 của COM đạt hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt vỏn vẹn hơn 600 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty CP Vật tư Xăng dầu Comeco (HoSE: COM) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.015 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm tương đương 25%, xuống còn gần 980 tỷ đồng, kéo lãi gộp của doanh nghiệp giảm 33% so với cùng kỳ, về còn gần 36 tỷ đồng.
Trong kỳ, mặc dù doanh thu tài chính tăng lên gấp 2 lần so với cùng kỳ, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm lần lượt là 9% và 25% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp ngành xăng dầu này chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 600 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu là do lãi gộp giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của COM đạt hơn 2.070 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1 tỷ đồng, giảm 91% so với lợi nhuận của 6 tháng đầu năm 2022. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu, nhưng chỉ mới hoàn thành 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm được ĐHĐCĐ giao.
Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của COM ghi nhận gần 511 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ 134 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, trong đó, tiền mặt là hơn 33 tỷ đồng và 101 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh có giá gốc hơn 19,3 tỷ đồng, nhưng đang thua lỗ 6,3 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho hơn 47 tỷ đồng, giảm gần 52%.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 104,6 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 90,5 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn và người lao động. Doanh nghiệp không có nợ vay và nợ thuê tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 406 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình nền kinh tế nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn, chưa có chiều hướng cải thiện đáng kể; việc giải ngân cho đầu tư công của Thành phố chậm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức cầu về nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng giảm.
Mặt khác, chiết khấu bán xăng dầu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn ở mức thấp, chưa đạt được mức để kinh doanh của Công ty hòa vốn theo kế hoạch năm 2023 đã được ĐHĐCĐ và HĐQT phê duyệt (750 đồng/lit); nhiều khoản chi phí gia tăng, đặc biệt là tiền thuê đất, tiền thuê cửa hàng xăng dầu, chi phi tiền điện, chi phí sửa chữa xe bồn theo yêu cầu kiểm định, chi phí nâng cấp, sửa chữa các cửa hàng xăng dầu... đều tăng.
Theo Chứng khoán VNDirect, kết thúc nửa đầu năm 2023, giá dầu Brent giảm xuống quanh mức 75 USD/thùng, giảm 24% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 120 USD/thùng vào giữa năm 2022 do lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Đối với nửa cuối 2023 và năm 2024, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày của năm 2022, sau đó tiếp tục tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các quốc gia nằm ngoài nhóm OECD.
Trong khi đó, OPEC+ đã ra quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô đến hết năm 2024, điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô trong bối cảnh tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 - 2024, gây áp lực tăng lên giá dầu thô. VNDirect kỳ vọng, giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối 2023 do nguồn cung hạn chế, đạt mức trung bình 80-85 USD/thùng trong năm 2023 - 2024.
Đối với các doanh nghiệp Hạ nguồn, VNDirect cho rằng, bức tranh đảo ngược đối với lĩnh vực lọc dầu và phân phối xăng dầu trong năm 2023, khi điều tồi tệ nhất đã ở phía sau, sau một năm 2022 khó khăn chưa từng có, thị trường xăng dầu trong nước đã trở lại trạng thái bình thường khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và cơ quan quản lý đã điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu cơ sở từ cuối năm 2022, qua đó hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu trong nước.
“Chúng tôi nhận thấy triển vọng tươi sáng cho lĩnh vực này nhờ: (1) Thị trường trong nước ổn định trở lại kể từ năm 2023 nhờ NSR vận hành hết công suất; (2) việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022; và (3) Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam, với mức tăng 4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030”, VNDirect nhận định.
Nửa đầu năm, thu nhập của Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt giảm 84%
Lợi nhuận TOP 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất: Hấp dẫn những cuộc đua ngôi hậu