Chứng khoán Mỹ đang rất giống với thời điểm năm 2021, ngay trước khi rơi vào thị trường gấu dài nhất trong hàng thập kỷ, theo Wall Street Journal.
Cổ phiếu công nghệ tăng dựng đứng, cổ phiếu meme cũng sốt nóng, trong khi thị trường tiền điện tử cũng trỗi dậy. Tâm lý lạc quan đang bao trùm Phố Wall, nhiều nhà đầu tư thậm chí dùng tới hợp đồng quyền chọn để đặt cược vào đà tăng của thị trường.
Điều này cho thấy rằng giới đầu tư ngày càng quan tâm đến các khoản đầu tư tài chính đầy rủi ro, tương tự như giai đoạn ngay trước khi chứng khoán Mỹ chìm vào thị trường gấu dài nhất trong hàng thập kỷ hồi năm 2021, theo Wall Street Journal.
Cơn sốt cổ phiếu meme trở lại
Bóng dáng của cơn sốt cổ phiếu meme lại hiện hữu. Theo Wall Street Journal, chứng chỉ quỹ MEME ETF - chuyên mô phỏng diễn biến của các cổ phiếu meme - đã bật tăng 67% trong năm nay, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Giá các cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục MEME ETF. |
Tính tới ngày 17/7, các khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của MEME ETF bao gồm cổ phiếu công ty khai thác Bitcoin Riot Platforms, nền tảng cho vay sử dụng trí tuệ nhân tạo Upstart Holdings, sàn giao dịch tiền ảo Coinbase, nhà sản xuất xe điện Rivian Automotive và công ty vận hành du lịch biển Carnava.
Loạt cổ phiếu này tăng lần lượt 458%, 342%, 211%, 35% và 1,077% từ đầu năm đến nay. Chưa hết, giá bitcoin cũng bật tăng 81% trong năm 2023, bất chấp các động thái siết chặt kiểm soát thị trường tiền ảo của cơ quan chức năng Mỹ.
Theo tờ Wall Street Journal, số lượng nhà đầu tư đặt cược vào đà tăng của chứng khoán Mỹ vượt xa lượng nhà đầu tư đặt cược ngược lại trong 6 tuần liên tiếp - quãng thời gian dài nhất kể từ tháng 11/2021.
Tâm lý nhà đầu tư lạc quan tới nỗi họ có rất ít nhu cầu đối với những quyền chọn sẽ bảo vệ họ trong trường hợp thị trường xuống dốc. Thay vào đó, giới đầu tư dùng các quyền chọn này để khuếch đại thêm khoản lãi nếu thị trường tiếp tục thăng hoa.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư nhỏ lẻ ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. |
Hơn nữa, người dân Mỹ cũng ngày càng tự tin về nền kinh tế. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã tăng từ mức 64,4 điểm trong tháng 6 lên 72,6 điểm vào tháng 7, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2005.
“Kể từ khi Fed giải cứu hệ thống ngân hàng trong tháng 3/2023, nhà đầu tư đã bớt lo ngại về nền kinh tế”, theo ông David Wagner, nhà quản lý danh mục tại Aptus Capital Advisors, “đà tăng của thị trường chỉ có thể bị cản lại nếu một rủi ro khổng lồ xuất hiện”.
Lạc quan quá đà?
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư cho rằng bối cảnh hiện tại của chứng khoán Mỹ rất dễ dẫn đến một cú sập.
Nhìn lại năm 2021, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có tâm lý phấn khích tương tự. Khi đó, hệ số quyền chọn bán/quyền chọn mua và chỉ số VIX (thước đo sự sự hãi trên Phố Wall) cũng ở mức rất thấp.
Nhưng tới đầu tháng 1/2022, cả ba chỉ số chứng khoán chính đều chạm đỉnh và chỉ số S&P 500 lao dốc 19% trong năm đó.
“Tâm lý FOMO đang chiếm thế thượng phong. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào thị trường đúng lúc giai đoạn tăng điểm bước vào hồi kết và thị trường sắp sửa xuống đáy”, bà Amanda Agati, Giám đốc đầu tư tại PNC Asset Management Group, nhận định.
Ngoài ra, chi phí vay tăng cao có nguy cơ khiến nền kinh tế giảm tốc, bóp nghẹt tín dụng của doanh nghiệp và khiến các hộ gia đình khó đi vay hơn, theo Wall Street Journal.
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ hạ xuống còn 3% trong tháng 6, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Và các nhà hoạch định chính sách cũng rất có thể đang sợ rằng người Mỹ đang dần quen với lạm phát cao.
“Nếu Mỹ rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ, Fed sẽ phải tăng lãi suất. Đó không phải là môi trường tốt với các nhà đầu tư”, theo ông Jason Bloom, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thu nhập cố định tại Invesco.