Con đặc sản ở Thanh Hóa mới nghe tên đã 'khiếp vía', chỉ khách quý mới được ăn: 70.000đ/kg, muốn mua không dễ
Đây là món đặc sản mà người Mường ở Thanh Hóa dùng để chiêu đãi khách quý.
Từng khiến nhiều du khách “giật mình” với các món độc lạ như sâu rừng, chuột đồng, côn trùng…, nhưng có lẽ chưa gì khiến người ta kinh ngạc như món đặc sản nòng nọc – một món ăn truyền thống chỉ dành đãi khách quý của người Mường miền Tây Thanh Hóa.
“Bu bu” – Đặc sản quý của người Mường
Miền Tây xứ Thanh vốn nổi tiếng với những món ăn dân dã mà đậm đà bản sắc như sâu măng chiên giòn, nhái rừng nướng trui hay chuột đồng nướng than. Thế nhưng, ẩn sau lớp áo bình dị ấy là một món ăn đặc biệt mà chỉ người bản địa mới thật sự yêu thích và trân trọng. Các món làm từ nòng nọc hay còn gọi theo tiếng địa phương là bu bu hoặc bâu bâu.

Những con nòng nọc béo tròn, lớn bằng ngón tay, chỉ xuất hiện vào từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch và thường chỉ được đem ra chế biến trong các dịp trọng đại của gia đình hoặc dùng để tiếp đãi những vị khách quý ghé thăm.
Mùa nòng nọc người dân bản vào rừng từ sáng sớm hoặc chiều muộn, thời điểm nước suối mát lạnh, trong vắt và yên ả. Nòng nọc thường bơi lượn ở các khe đá nhỏ, là con của ếch đá rừng nên thịt có vị ngọt thanh, thơm và rất đặc trưng.
Cách bắt cũng đơn giản. Người có kinh nghiệm chỉ cần mang theo chiếc dậm tre, cái rỏ đựng, vài lá khoắn – loại lá có mùi đặc biệt để dụ nòng nọc. Họ thả lá vào dậm, đặt cạnh khe suối, đợi nòng nọc kéo đến rồi nhẹ tay nhấc dậm lên, thu hoạch cả rổ đầy “món quà thiên nhiên”.

Từ những con nòng nọc mập mạp đến món om măng đậm đà hương núi rừng
Sau khi bắt về, nòng nọc được sơ chế kỹ, rửa sạch, mổ lấy ruột, để ráo. Từ nguyên liệu này, người Mường sáng tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn như canh rau rừng nấu nòng nọc, nướng sả ớt, xào cay... Trong đó, món được ưa chuộng và nổi bật nhất chính là nòng nọc om măng.
Để có nồi om ngon, không thể thiếu những nguyên liệu truyền thống như mẻ chua, hành hoa, mùi tàu, rau răm và đặc biệt là măng rừng tươi. Măng được xào sơ với mẻ, sau đó thêm nước, đun sôi rồi cho nòng nọc vào nấu cùng. Khi món ăn sôi trở lại, người nấu thêm rau thơm, nhấc nồi xuống và thưởng thức khi còn nghi ngút khói, có thể ăn kèm cơm nóng hoặc dùng làm mồi nhậu thì “chuẩn bài”.
Những thực khách lần đầu tiếp xúc không khỏi e dè. Thế nhưng chỉ cần can đảm gắp thử một chú nòng nọc béo tròn, bụng trắng ngần, đang bốc khói nghi ngút trong bát măng om… thì nỗi sợ tan biến, nhường chỗ cho sự ngỡ ngàng.
Vị mềm ngọt đặc trưng của nòng nọc hòa quyện với chút đắng của măng rừng, điểm thêm nước om béo ngậy, đậm đà… tạo nên một hương vị vừa lạ, vừa quen, vừa hoang dại, vừa đầy chất thơ. Một lần thử thôi, hương vị ấy sẽ theo chân bạn mãi.
Theo chia sẻ của người dân bản địa, nòng nọc không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng thậm chí được đánh giá cao hơn cả thịt gà, vịt, trâu, bò bởi sống hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, không hóa chất, không nuôi công nghiệp. Vì sản lượng đánh bắt thấp, chỉ có theo mùa, nên nòng nọc trở thành đặc sản hiếm có khó tìm.

Mua ở đâu? Giá bao nhiêu?
Nếu có dịp ghé các bản làng người Mường thuộc huyện Thạch Thành, khu vực suối Vó Ấm (nằm trong Vườn quốc gia Cúc Phương), hoặc ghé chợ phiên Na Mèo, bạn có thể tìm thấy nòng nọc được bán với giá từ 40.000 – 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, người dân địa phương luôn nhấn mạnh, món này ngon nhất khi được thưởng thức tại chỗ, bên bếp lửa trong căn nhà sàn giữa rừng, cạnh ché rượu cần nồng nàn, giữa tiếng suối róc rách và âm thanh đại ngàn.
Ngoài miền Tây Thanh Hóa, một số địa phương như Ba Tơ (Quảng Ngãi), Lâm Đồng, Nghệ An… cũng có các món ăn từ nòng nọc, mỗi nơi lại có cách chế biến riêng, tạo nên những phiên bản mang đậm bản sắc vùng miền.
>> Sinh vật nhầy nhớt, khiến nhiều người khiếp vía nhưng 'lên mâm' là thực khách chao đảo
Đặc sản có tên 'bốc mùi' ở Bắc Kạn, khách sành ăn mua vài cân cho bõ thèm
Đặc sản Hải Phòng vẻ ngoài giống cát, khách nhìn dè chừng ăn lại khen ngon