Xoay quanh vấn đề kiểm định xe cơ giới, nhiều ý kiến băn khoăn, nếu để các trung tâm đăng kiểm tự điều chỉnh giá, không có giá sàn sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giảm giá không lành mạnh…
Theo đó, Bộ Giao Thông vận tải vừa có công văn gửi Bộ Tài Chính đề nghị xem xét, thống nhất với đề xuất Nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể, Bộ này cho biết, tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Chính phủ đã giao thẩm quyền quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho Bộ Giao thông vận tải. Bộ có trách nhiệm chủ trì xây dựng và thống nhất với Bộ Tài chính trước khi ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về giá, tuy nhiên, chưa điều chỉnh về hình thức Nhà nước định giá đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong đó, các trung tâm thuộc khối tư nhân đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị, chiếm 68,3% tổng số các trung tâm đăng kiểm.
Sau khi Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể sẽ tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, nếu để các trung tâm đăng kiểm tự điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, không có giá sàn sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh - Ảnh minh họa
Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh về cung cấp dịch vụ, giá cả theo cơ chế thị trường. Theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ kiểm định khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…). Về nguyên tắc kinh tế thị trường, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm trên toàn quốc.
“Bộ Giao thông vận tải nhận thấy Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị điều chỉnh hình thức định giá hiện nay đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ “Nhà nước định giá cụ thể” sang “Nhà nước định giá tối đa” là phù hợp với thực tiễn hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động quyết định mức giá phù hợp, tiếp cận thị trường. Đồng thời, kiến nghị này cũng phù hợp với quy định tại Luật Giá (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023”, văn bản của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất kiến nghị của Cục Đăng kiểm và báo cáo Chính phủ chấp thuận để Bộ Giao thông vận tải thẩm định phương án này.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, mặc dù ủng hộ quy định giá trần dịch vụ đăng kiểm, tuy nhiên, nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn bởi nếu để các trung tâm đăng kiểm tự điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, không có giá sàn sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giảm giá không lành mạnh.
Đáng nói, với các đơn vị đăng kiểm không mất chi phí thuê đất, mặt bằng, thiết bị kiểm định sử dụng nhiều năm đã đủ khấu hao, việc sẵn sàng xây dựng mức giá kiểm định thấp, tăng cạnh tranh với các đơn vị lân cận, các đơn vị mới thành lập (giá thuê mặt bằng lớn, chi phí đầu tư thiết bị cao nên không thể xây dựng giá kiểm định quá thấp) được cho sẽ hiện hữu.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các yếu tố cấu thành giá trong đó có mức chi đầu vào của các trạm đăng kiểm khác nhau. Ví dụ như: tiền điện, nước, mặt bằng, khấu hao máy móc, nhân công, vật tư – vật liệu… có sự khác nhau giữa các vùng miền. Vì vậy, quy định một mức giá cứng trên toàn quốc sẽ không còn phù hợp, cần có một khoảng để các doanh nghiệp đăng kiểm tùy theo từng khu vực, từng thời điểm để đưa ra mức giá phù hợp.
“Giá đăng kiểm sẽ linh động theo từng thời điểm, từng khu vực. Giá dịch vụ đăng kiểm có thể thay đổi sau 3, 6 tháng hay lâu hơn tùy thuộc vào biến động giá đầu vào”, ông Quyền đề xuất.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, ngoài việc Nhà nước áp giá trần, thì nên quy định mức giá sàn.
“Nếu không quy định mức giá sàn liệu có xảy ra hiện tượng các cơ sở đăng kiểm hạ giá quá thấp để thu hút xe kiểm định? Bởi vì giá thấp nhưng thu hút số lượng xe vào kiểm định nhiều lên thì vẫn đảm bảo tăng doanh thu theo kỳ vọng của họ trong chiến lược cạnh tranh. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan xây dựng văn bản nên nghiên cứu đánh giá thêm sự cần thiết về việc quy định mức giá sàn đối với dịch vụ đăng kiểm”, ông Quyền kiến nghị.
Đề xuất áp 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Thái Lan lên phương án 'giải cứu' Thai Airways: Chuyển đổi 100% khoản nợ hơn 2 tỷ USD thành cổ phiếu